Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018
RFA - Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí PVC Trịnh Xuân Thanh vừa bị tòa án tại Hà Nội kết án tù chung thân với tội danh tham nhũng và cố ý làm trái quy định của nhà nước bất chấp những phản bác của bị cáo tại tòa và lập luận của các luật sư bào chữa. Tuy nhiên ngay sau khi phiên tòa kết thúc, vào chiều ngày 22/1, luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh đã ra thông cáo phản đối kết quả phiên tòa với những cáo buộc nhắm vào hệ thống tư pháp của Việt Nam.
Kết quả áp đặt, nhân chứng bị đe dọa
Ngay sau khi phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh cùng hơn 20 bị cáo khác nguyên là những lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kết thúc, vào chiều ngày 22/1, luật sư Petra Schlagenhauf, đại diện cho Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã lên tiếng phản đối bản án chung thân dành cho thân chủ, mặc dù bà không tỏ ra ngạc nhiên với kết quả phiên tòa.
Trả lời đài Á Châu Tự Do qua điện thoại từ văn phòng của mình ở Berlin, bà Schalgenhauf nói:
"Tôi đã không trông đợi một kết quả tốt hơn vì kết quả này đã được quyết định từ trước khi phiên tòa diễn ra và nó đã có thể tồi tệ hơn với bản án tử hình, mặc dù bản án chung thân cũng không thể chấp nhận được."
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) bị cáo buộc hai tội là cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham nhũng trong giai đoạn ông này lãnh đạo PVC từ năm 2009 – 2013. Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam, tội danh tham nhũng có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Vào năm 2016, Trịnh Xuân Thanh đã chạy trốn sang Đức và xin tỵ nạn. Tuy nhiên vào đầu tháng 8 năm 2017, truyền hình Việt Nam đã cho chiếu đoạn phim có hình ảnh Trịnh Xuân Thanh đầu thú. Chính phủ Đức tố cáo Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Thanh ngay trên lãnh thổ Đức, vi phạm luật pháp Đức và quốc tế.
Trong thông cáo báo chí vào ngày 22/1, bà Schlagenhauf viết rằng bằng việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Việt Nam đã đánh mất quyền tố tụng xét xử thân chủ của bà.
Bà Schlagenhauf cũng lên án Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong việc quyết định tội của thân chủ của bà mà không qua xét xử. Thông cáo viết ‘thân chủ của tôi đã công khai lên án Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vào hồi cuối tháng 11 năm 2017, trước khi có phiên tòa, đã nói thân chủ tôi có tội và phải bị xét xử’. Bà Schlagenhauf cho đây là do tình trạng không có sự độc lập giữa hành pháp và tư pháp ở Việt Nam, và hệ thống tư pháp hoàn toàn do Đảng Cộng sản độc quyền dẫn dắt.
Luật sư Schlagenhauf cũng tố cáo cơ quan điều tra Việt Nam đã ép cung nhân chứng để nói dối trước tòa gây bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh.
"Người này đã bị đe dọa…. Ông ta không chỉ bị đe dọa mà còn bị bắt giam và đối xử tàn tệ để làm chứng chống lại thân chủ của tôi."
Bà Schlagenhauf cho biết vì lý do an toàn cho người làm chứng và người đưa tin, bà không thể công bố danh tính người làm chứng cũng như nguồn tin. Đài Á Châu Tự Do hiện không thể xác nhận thông tin này độc lập.
Ngoài ra, luật sư Schlagenhauf cũng bày tỏ lo ngại cho các luật sư Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho Trịnh Xuân Thanh vì họ chịu sự giám sát chặt chẽ của đảng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi thân chủ của họ không được tôn trọng. Theo bà trong các vụ án có tính nhạy cảm như vụ Trịnh Xuân Thanh, các luật sư còn phải chịu nhiều rủi ro về nghề nghiệp
Giải pháp “giữ mặt” cho hai phía
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017 đã khiến quan hệ Việt Đức trở nên căng thẳng.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, chính phủ Đức đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Việt Nam như đóng băng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ngưng các chương trình hợp tác kinh tế giữa hai nước, trục xuất nhân viên sứ quán Việt nam vì có liên quan đến vụ bắt cóc. Phía Đức yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để chính phủ Đức có thể tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định của luật pháp.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam từ đó đến nay vẫn khẳng định không có vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Điều này làm cho tình hình quan hệ hai nước càng thêm căng thẳng. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét:
"Bắt cóc là việc rất nghiêm trọng và chúng ta có thể thấy mối quan hệ hai nước bị giảm xuống rất nhanh chóng trong thời gian qua. Đức phải tôn trọng luật pháp và nếu họ không có phản ứng thì tôi sẽ rất ngạc nhiên."
Phía Việt Nam dù tỏ ra cứng rắn trong vụ Trịnh Xuân Thanh nhưng Việt Nam cũng không thể làm tổn hại quan hệ với Đức về lâu dài. Giáo sư Carl Thayer nói tiếp:
"Câu hỏi đặt ra là phía Đức sẽ có sức ép thế nào qua EU lên quyền lợi của Việt Nam…. Phía Đức nói là họ sẽ làm mọi cách để đưa Thanh về lại Đức. Mọi cách ở đây liệu có phải là giảm quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, nước mà Đức đã ủng hộ trong suốt thời gian qua. Việt Nam cũng đang chạy đua vào ghế thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và điều này không dễ dàng chút nào trong tình hình này vì với vụ bắt cóc này họ đã vi phạm luật quốc tế."
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Thương mại với Đức của Việt Nam hiện chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt gần 6 tỷ đô la.
Theo luật sư Schlagenhauf, Đức, nước thành viên quan trọng của EU hoàn toàn có thể gây sức ép để khiến hiệp định tự do thương mại FTA giữa EU và Việt Nam không thể thông qua nếu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu từ phía Đức.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh đã kéo dài quá lâu theo luật sư Schlagenhauf và điều này hoàn toàn không có lợi cho cả hai nước.
"Vấn đề này này cần phải có được giải pháp đáp ứng quyền lợi không chỉ của Đức, của thân chủ của tôi mà còn cả của Việt Nam"
Ngoài phiên tòa vừa kết thúc, vào thư tư, ngày 24/1 tới, Trịnh Xuân Thanh sẽ phải tiếp tục ra tòa lần hai để bị xét xử với cáo buộc tham nhũng khác. Bà Schlagenhauf lo ngại thân chủ của mình sẽ vẫn phải đối mặt với một án tử hình nếu bị kết tội tham nhũng trong phiên tòa tới.
No comments :
Post a Comment