Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại toà phúc thẩm hồi cuối tháng 5/2018
RFA - 4900 tỷ đồng chiếm đoạt của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân mà chỉ riêng 1 trong số những bên bị hại là một doanh nghiệp Malaysia có nguy cơ mất trắng 10 triệu đô la Mỹ tiền gửi. Tuy nhiên, Vietinbank, ngân hàng chủ quản nơi nhân viên Huyền Như mượn danh để thực hiện những hành vi chiếm đoạt tài sản lại được toà án Việt Nam xử vô can.
Trong một phán quyết được đưa ra hôm 30/5, Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của các nguyên đơn trong đó yêu cầu ngân hàng Vietinbank hoàn trả số tiền lên tới 4900 tỷ đổng (tương đương 215 triệu USD) mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm dụng. Thay vào đó, Toà phúc thẩm quyết định thủ phạm chính Huỳnh Thị Huyền Như có trách nhiệm phải bồi thường một số tiền 1085 tỷ đồng đã “chiếm đoạt” của 5 công ty là Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông, Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu và Công ty SBBS (Malaysia).
Đại diện công ty SBBS, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, toà phúc thẩm đã bác bỏ quyết định của toà sơ thẩm và đưa ra một phán quyết có lợi hoàn toàn cho phía ngân hàng Vietinbank. Luật sư Tâm nói:
“5 công ty này họ mở tài khoản hợp pháp nên vì thế mà án phúc thẩm mới huỷ án với nhận định là Huyền Như có dấu hiệu tham ô. Nếu xét xử Huyền Như về tội tham ô, có nghĩa rằng trách nhiệm dân sự của Vietinbank phải bồi thường cho khách hàng. Cho nên bây giờ để cứu Vietinbank, giải thoát cái trách nhiệm dân sự cho Vietinbank nên người ta không thay đổi tội danh cho Huyền Như mà vẫn để Huyền Như lừa đảo, và biến các công ty này thành nạn nhân của sự lừa đảo”
Tin cho biết Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM đi huy động tiền gửi cho Ngân hàng Vietinbank để trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của 5 công ty vừa nêu về việc nhận tiền gửi với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định. Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như.
Do đó, việc HĐXX bác kháng cáo của các nguyên đơn và cho rằng các nguyên đơn dân sự gửi tiền nhưng đã bỏ mặc cho Như chiếm đoạt nên phải chịu trách nhiệm về sai sót do lỗi của mình theo luật sư Nguyễn Minh Tâm là hoàn toàn thiếu thuyết phục. Luật sư Tâm nói tiếp:
“Ở đây không có chuyện Huyền Như lừa gì công ty cả, vì tiền được chuyển vào tài khoản một cách hợp pháp, nằm trong sự quản lý của Vietinbank, Huyền Như áp dụng các thao tác gian dối qua mặt Vietinbank để rút tiền ra, thì chủ tài khoàn làm sao mà biết được. Điều này thì ai cũng biết, dân chúng kể cả những người chẳng cần hiểu biết gì về pháp luật họ cũng đều cho rằng đó là thuộc trách nhiệm của Vietinbank”
Trên thực tế, theo luật sư Tâm, bất cứ một giao dịch nào trên hệ thống ngân hàng cũng đều được phản ảnh trên hệ thống mạng quản lý của các ngân hàng. Do đó, ngân hàng này phải có trách nhiệm với hành vi của cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như như việc làm giả chữ ký, chứng từ và sau đó rút tiền … từ tài khoản của các doanh nghiệp đã gửi tiền trong phạm vi quản lý của ngân hàng Vietinbank. Bình luận về điều này, PGS-TS Đỗ Linh Hiệp, giảng viên khoa Tài chính – ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng ngân hàng Vietinbank phải chịu một phần trách nhiệm nếu để nhân viên gây hậu quả dưới uy tín của chính ngân hàng. PGS-TS Đỗ Linh Hiệp nói:
“Cô này đang làm việc ở ngân hàng, với danh nghĩa ngân hàng, rồi không vào sổ sách hay gì gì đó để mà lừa thì trách nhiệm của ngân hàng cũng phải có 1 phần vì cô này đang làm việc đó dưới danh nghĩa là một nhân viên ngân hàng, tại ngân hàng luôn. Bây giờ anh không theo dõi, không giám sát nhân viên cụ thể để nhân viên của anh gây ra việc phạm pháp như thế thì anh cũng phải gánh chịu một phần.”
Không chỉ Vietinbank, một số vụ việc mất tiền khác trong thời gian gần đây như việc gần 300 tỷ đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank không cánh mà bay, vụ 17 khách hàng mất gần 400 tỷ đồng tại ngân hàng Ocebank hay 26 tỷ đồng tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank bị rút khống…và đặc biệt là pháp lệnh hồi cuối năm 2017 quy định ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường tối đa 75 triệu đồng đã khiến không ít người bày tỏ hoang mang và lo lắng về tính an toàn khi gửi tiền tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đã không có những biện pháp tích cực và kịp thời trong việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn đối với khách hàng trong trường hợp xảy ra mất mát. Chị Thuỳ Linh, một người gửi tiền cho rằng đó là hành xử không công bằng đối với những người gửi tiền tại ngân hàng hiện nay:
“Trong trường hợp mình là người đi vay, không may mình bị lừa và không có khả năng trả tiền đúng hạn cho ngân hàng, thì mình phải chịu rất nhiều những khoản phí phát sinh… so với việc ngân hàng cầm sổ tiết kiệm của mình rồi lại chây ỳ trong việc trả lại tiền cho mình thì nó là không công bằng”
Các chuyên gia tài chính ngân hàng mà đài RFA đã có dịp tiếp xúc đều cho rằng, ngân hàng tại các quốc gia phát triển thường có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ và cũng là pháp nhân chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc mất tiền của khách hàng. Đặc biệt, trong các trường hợp ngân hàng có nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi những cá nhân đó là người đại diện cho ngân hàng thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình điều tra thường diễn ra quá lâu và ngân hàng chỉ chịu bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong điều kiện có quyết định của toà án. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tâm lý cũng như kinh tế đối với khách hàng mà còn khiến cho chính uy tín của chính các ngân hàng Việt Nam bị ảnh hưởng và rõ ràng sẽ là một tác động tiêu cực đến việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và các doanh nghiệp đối với chính các tổ chức tín dụng, ngân hàng này.
No comments :
Post a Comment