Thụy Khê
Nội bộ báo Nhân Văn
– Thụy Khuê: Thưa bác, trên báo Nhân Văn có một số tên viết tắt không biết là ai, ví dụ như bác, ngoài tên Trần Duy và Y Du, bác còn ký những bút hiệu nào khác nữa?
– Trần Duy: TD này, Trần Duy này, chỉ có ba tên đó thôi, tranh tôi vẽ vẫn đề là TD.
– Thụy Khuê: Còn người ký Trần Y Du là ai?
– Trần Duy: Cũng là tôi.
– Thụy Khuê: Pha Y là ai?
– Trần Duy: Là Phái. Phái có vẽ mấy bức tranh chụp mũ hay gì đó>
– Thụy Khuê: XYZ là ai ạ?
– Trần Duy: Có thể là Đang, vì trong tòa soạn chỉ có tôi, Đang và Đạt. Anh em ở ngoài thì họ để tên thật. Còn những mục thay thế hoặc lấp chỗ trống, có thể là Đang, có thể là Đạt, có thể là tôi.
– Thụy Khuê: Thế XYZ là Tổ Ba Người phải không ạ?
– Trần Duy: Không, XYZ là một người thôi. Có thể là Đang, có thể là Đạt, gọi là mục để lấp chỗ trống, không quan trọng. Nếu quan trọng thì viết tên rõ ràng. Thật ra lúc bấy giờ nó như cái chợ trời, không ai quyết định được ai cả, nó cứ quân hồi vô phèng, nó không thành một tổ chức quy mô nào cả, cho nên người ta cứ bảo người này, người kia là công an cài vào; thực ra công an chẳng cần cài, người ta cứ đứng ngoài đường nghe cũng biết tình hình như thế nào rồi; việc đó không có gì bí ẩn, bí mật cả, tất cả gặp đâu nói đó, chứ không thành một tổ chức chính trị gì cả.
– Thụy Khuê: Thế, Tổ Ba Người là ai ạ?
– Trần Duy: Tôi không nhớ có cái tên này.
– Thụy Khuê: Thưa bác, còn những bài ký tên Người quan sát là Lê Đạt hoặc Nguyễn Hữu Đang phải không ạ?
– Trần Duy: Vâng. Còn ký tên Y Du là tôi.
– Thụy Khuê: Tranh cũng là việc chính của bác, vậy trong thời kỳ ấy bức tranh nào đã gây ấn tượng mạnh nhất và đã làm cho bác bị lôi thôi nhất?
– Trần Duy: Tôi có vẽ một bức tranh, có lẽ đó là hậu họa lớn nhất trong đời tôi, là Ốc sên không cánh mà bay trong tờ Giai Phẩm Mùa Xuân, chính bức tranh chết của tôi đó, nó là cái họa lớn trong đời tôi. Nó không phạm ai cả ngoài những người cơ hội, mà ở trong đảng thì cô Thụy Khuê biết – cười… Cơ hội là chính! Thực ra đảng viên mà chết được như… mấy ông đảng viên -chân chính- mới là hay. Cho nên Sáng nó có vẽ một bức tranh mà không ai hiểu được là Kết nạp đảng, tranh đó mới là cái chất của Sáng. Sáng bảo: “Tao không bao giờ coi thường đảng viên, nhưng đảng viên kết nạp ở đâu, chứ đảng viên kết nạp ở văn phòng, ăn sung mặc sướng thì đảng viên làm gì, đảng viên phải chết ngoài mặt trận, phải thừa sống ra chết tao mới phục”. Tranh ấy gây xao động một lúc nhưng thực ra không ai hiểu được tư tưởng của Nguyễn Sáng, cho nên bức tranh Kết nạp đảng, cô Thụy Khuê có thấy không, phải ở mặt trận, ở tiền tuyến, thì giá trị của người đảng viên mới có. Còn không thì tất là đều là cơ hội. Khi tôi vẽ Ốc sên không cánh mà bay thì tôi biết là tôi đưa đầu vào máy chém rồi.
– Thụy Khuê: Về sáng tác, khi viết những truyện như Người khổng lồ không tim và Tiếng sáo tiền kiếp là bác có ý gì? Bác cũng chính trị lắm đấy chứ?
– Trần Duy: Người khổng lồ không tim không phải tôi nói là người đảng viên không tim. Người đảng viên là người khổng lồ, trong số những người khổng lồ đó có người không tim chứ không phải là người khổng lồ nào cũng không tim cả đâu. Vì ở trong đó cũng có Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng là cụ Hồ, Nam Tào Bắc Đẩu… tất cả là những ông trung ương tốt, bên cạnh đó có những ông trung ương xấu. Vậy ở trong tập thể đó có những người tốt, có những người xấu. Còn Tiếng sáo tiền kiếp, nó được đẻ ra sau thời kỳ chỉnh huấn: Con người ta ai cũng qua cuộc đời cũ cả, đến lúc đó bắt tôi bỏ cuộc đời cũ đi nhập vào cuộc đời mới, thì liệu có làm được không? Thành thử Tiếng sáo tiền kiếp… là cái ray rứt của con người, muốn đi đến bỏ cái cũ nhưng bỏ như thế nào, bỏ làm sao, mà cái divorce như thế rất khó, thành thử chính Boudarel đã nắm được nội dung truyện đó. Ông Nguyễn Đình Thi, ông Đồ Phồn bảo: “Nó là thằng phản động từ xương từ tủy”, đại khái như thế. Tôi bảo tôi chẳng có gì là phản động ở trong ấy cả, nếu có phản động chăng thì là như thế này: tôi không thích một cái đảng chính trị nào cả -đấy là cái phản động lớn nhất đấy- không riêng một cái đảng nào, đảng nào cũng thế thôi. Nếu có cái đảng nào gọi là đảng quân chủ, thì tôi cũng không theo, mặc dù bố mẹ tôi là dòng dõi con nhà vua. Nói chung là tôi không thích một cái đảng nào cả, và đến bây giờ tôi cũng không tán thành một đảng nào cả và bản thân tôi cũng không thích vào một đảng nào hết, có chăng là sự bảo vệ con người trong một cộng đồng nào đó, mục đích chính của tôi vẫn là yêu cái đó. Đừng gây xáo trộn lớn, hiện nay đất nước mình xáo trộn nhiều quá, xáo trộn về ngôn ngữ, về chữ nghĩa, về chữ quốc ngữ,… Tôi có nói với anh em rằng ngay tiếng Pháp, đứng về pháp cú, grammaire vẫn có vấn đề mà tại sao từ mấy trăm năm nay người ta vẫn để nguyên, có những cái không hợp lý mà họ vẫn để, ví dụ những thay đổi từ al sang aux, từ ou thêm x vẫn có những exceptions, những cái không hợp lý người ta vẫn để từ mấy trăm năm nay. Vậy tại sao mình luôn luôn thay đổi, cải cách. Nếu hòn sỏi mà cứ lăn mãi thì không bao giờ dính vào đâu được. Cái đất nước mình cứ luôn luôn thay đổi, cải cách, cải tạo, rốt cuộc không bao giờ đứng được một chỗ nào. Riêng tôi, không bao giờ tôi vào một cái đảng nào cả. Cái đảng chính của tôi vẫn là đảng con người thôi.
– Thụy Khuê: Thưa bác, cụ Phan Khôi viết bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ khá mạnh, vậy có thể nói là cụ Phan Khôi có một vai trò quan trọng gì trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm không?
– Trần Duy: Ông Phan Khôi, cái người mà ông ấy chống nhất là Nguyễn Đình Thi, ông cho Nguyễn Đình Thi là người lũng đoạn trong đó và ông cho rằng, tất cả những người như Tô Hoài,… cho nên ông Phan Khôi chỉ chống những người trong ban lãnh đạo văn học nghệ thuật thôi, chống lại sự lũng đoạn trong những cái giải chấm, ở trong văn học nghệ thuật. Anh em cũng không yêu cầu gì cả và ông cũng không có quyền hạn gì cả. Ông không quyết định gì hết: bài vở ông không quyết định vì bài vở là đưa qua Lê Đạt, Lê Đạt đưa cho tôi và chính tôi là người mise, trình bày tờ báo. Thiếu thừa chỗ nào thì tôi nói với anh em thêm cái này cái nọ. Cái mục remplissage là tôi làm chứ không phải ai làm cả. Mise tờ báo lên cho tờ báo chạy là tôi. Tiếp xúc với nhà in là tôi.
Vai trò Phan Khôi trong báo Nhân Văn không có gì cả. Ông không là chủ động, không chỉ đạo, ông không có ảnh hưởng trong tờ báo. Có ảnh hưởng trong tờ báo có mấy người: Văn Cao là ngầm rồi, Trần Dần, Hoàng Cầm đi vào một nhánh rồi, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang. Còn số mà tập họp những anh em khác, tất cả bài vở… thành phong trào như Đất Mới… là do ảnh hưởng của Nhân Văn rồi nó đẻ ra những người cộng tác chứ không phải là những người cộng tác nằm đầu tiên trong nhóm chỉ đạo của Nhân Văn, là hai người chủ chốt, hai cái đầu đấy, một người là đường lối tư tưởng, một người đường lối chính trị, mà Lê Đạt là người điều chỉnh, gọi là cái phanh ấy, cái thắng đấy, khi nào đi quá thì chính Lê Đạt cũng kêu và chính Lê Đạt là người chống Nguyễn Hữu Đang và chính Lê Đạt có nói với tôi: “Tất cả những bài vở mày đừng đưa cho thằng Đang trước và thằng Đang có bài gì thì mày đưa cho anh em xem trước, mày đừng tự động cho lên”. Chính Lê Đạt bảo tôi như thế, vì thế cho nên cái bài Nguyễn Chương ấy, ông Phan Khôi ông ấy phản đối ghê lắm.
– Thụy Khuê: Bác muốn nói đến bài Trả lời Nguyễn Chương của báo Nhân Dân trên Nhân Văn số 2 phải không ạ? Bài ấy ký tên ba người nhưng do ai viết?
– Trần Duy: Bài ấy là Đang viết đấy chứ. Vì nói thực với cô Thụy Khuê là có hai người trong nước Việt Nam làm báo mà tôi phục nhất, Nguyễn Hữu Đang là một, Phan Khôi là hai. Báo chí viết rành mạch, rõ ràng. Nhất là Đang viết giỏi lắm, cho nên cái bài ấy, cô đọc lại mà xem, nó mực thước lắm, đúng là bài về polémique, phải nói là thầy về polémique, phân tích rõ ràng. Đang viết bài đó và bảo: “Bọn mày đứng hộ tao”. Thì mấy người, tôi, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần đứng. Sau ông Phan Khôi gọi tôi bảo: “Thực ra bài đó ai viết? Các anh làm báo thế các anh chết, tất cả là những người có tên có tuổi mà lại mượn tên người khác, ông Đang viết một bài như vậy tại sao không dám đứng tên mà lại để tên các anh?”
Sự thực thì Nguyễn Hữu Đang viết bài đó rất hay, bài đó trả lời Nguyễn Chương, không phải bốn người kia viết, ông Đang viết, vì thế khi ông Phan Khôi phát hiện ra, ông ấy mắng tôi: “Anh làm thư ký tòa soạn mà làm như thế rất nguy hiểm”. Ông Phan Khôi hay mắng tôi lắm.
– Thụy Khuê: Thưa bác, trên báo Nhân Văn còn có một bút hiệu nữa là Trần Công, vậy Trần Công có phải là Trần Duy không ạ?
– Trần Duy: Trần Công không phải là Trần Duy. Ông Đồng gọi tôi lên Phủ Thủ Tướng để bàn về việc có nên ra nữa hay không và tất cả việc đó nên thu xếp thế nào thành một yêu cầu nội bộ chứ đừng thành một cuộc đấu tranh, thì tôi cũng nhận lời và tôi cũng xem như thế là đúng. Khi tôi về báo cáo điều đó thì anh em có vẻ bất bình, cho rằng tôi đầu hàng chính phủ và đầu hàng ông Đồng, họ cho rằng như thế là tôi phản bội anh em, bán đứng anh em, thành ra định đưa Trần Công thay thế, khi đó gây cho ông Phan Khôi một phản ứng rất lớn, ông cho rằng anh em làm việc với nhau vì tình nghĩa chứ có phải vì quyền lợi gì đâu mà làm như thế, ông có nói rằng nếu Trần Duy không làm nữa thì ông cũng không nhận trách nhiệm gì nữa cả, do đó mà sau rồi cũng thôi, không tiến hành nữa. Vậy thì Trần Công không phải là Trần Duy.
– Thụy Khuê: Chuyện này khá quan trọng, nó cũng là đầu mối của sự chia rẽ giữa bác và các anh em trong báo Nhân Văn, vậy xin bác thuật lại đầu đuôi, bác lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng ở giai đoạn nào của tờ Nhân Văn?
– Trần Duy: Tôi gặp anh Phạm Văn Đồng, ông Đồng gọi tôi lên, khi đó là số 3 rồi. Bắt đầu số 3. Khi đó có những tin đồn là Nhân Văn muốn ngả về những mouvement, những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó, thì anh Đồng có cho gọi ban biên tập và tòa soạn lên, cuối cùng anh em bảo Trần Duy lên gặp, thì tôi lên. Việc tôi lên gặp ông Đồng cũng có một số anh em tán thành, một số không tán thành, cho rằng như thế là tự mình ràng buộc với… chính quyền. Nhưng tôi nghĩ rằng anh không thể nào vượt chính quyền được và anh không thể nào vượt khỏi tổ chức của đảng được, không thể chống lại được nó, làm cái gì cũng phải nằm trong cơ sở tổ chức của đảng thôi. Tôi lên gặp ông Đồng. Thái độ của ông Đồng rất cởi mở, gặp tôi bảo: “Tôi hiện nay rất bận, bao nhiêu khách đang chờ tôi bên Phủ Chủ tịch cho nên tôi cũng nói qua để anh biết rằng tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi cái gì mà phải đấu tranh”. Ông Đồng quay sang nói với anh Phan Mỹ: “Hiện nay tôi phải sang họp, anh ở đây gặp các anh ấy, có vấn đề gì các anh đề xuất mà anh có thể giúp được thì anh cứ giúp”. Ông Đồng đi thì tôi ngồi nói chuyện với anh Phan Mỹ một thời gian, anh Phan Mỹ bảo: “Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính phủ làm được việc đó, các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh mua”.
Xong việc ấy tôi về gặp anh em ở một cái quán nhỏ đầu Hàng Nón, mọi người ở đấy, có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, … và tôi. Một lúc thì Đang đến, tôi nói chuyện tôi gặp như thế thì tất cả mọi người trừ Lê Đạt, đều cho rằng thái độ của tôi là thái độ đầu hàng. Ông Phan Khôi có hỏi một câu: “Mình đánh ai mà mình đầu hàng?” Đó là câu ông hỏi anh em, ông cho rằng anh em làm việc với nhau vì tình nghĩa chứ không phải vì quyền lợi gì đâu mà làm như thế. Sau đó ông Phan Khôi hỏi tôi: “Anh gặp ông Đồng thì ông có nói gì không?” Tôi nói: “Ý ông Đồng là tất cả những điều yêu cầu về báo chí, về văn học nghệ thuật, thì nên đề đạt chứ đừng nói chuyện đấu tranh”. Khi đó tôi có nói với anh Lê Đạt, Lê Đạt bảo: “Khổ lắm, việc này là do ông Đang, ông Đang lúc nào cũng quá khích và cần làm to lên”. Thì khi đó, thực ra cũng nói với cô Thụy Khuê rằng, ông Đang ông ấy bảo: “Không sợ gì cả! Vì đã có hội nghị quốc tế, có tất cả các thứ… và lãnh đạo không dám làm gì đâu!” Vì thế anh em Nhân Văn ở trong một cái thế tiến lùi cũng rất khó và khi đó, bản thân tôi thấy cũng rất nguy hiểm. Khi đó ông Song Hào có cho ông Mặc Ninh đến nhà tôi, Mặc Ninh nói câu này: “Anh Song Hào dặn tôi nói với cậu rằng làm gì thì làm nhưng cậu phải đề phòng, nếu anh em cán bộ tập kết nêu khẩu hiệu biểu tình rằng chính các cậu là người phá hoại phong trào đoàn kết, phong trào tập kết thì các cậu sẽ ở vào một thế rất nguy hiểm, cho nên anh Song Hào dặn tôi nói với cậu là làm đến đâu thì suy nghĩ cho kỹ chứ đừng đẩy đến chỗ bế tắc là nguy hiểm lắm đấy”.
– Thụy Khuê: Sau đó bác đã quyết định như thế nào, và nội bộ Nhân Văn đi đến đâu? Xin bác cho biết về Nhân Văn số 6, số bị chính quyền chận lại và sau đó Nhân Văn bị đóng cửa hẳn.
– Trần Duy: Xong số 3 thì tôi chuẩn bị mấy số sau, tôi chuẩn bị cái affiche về Ba Lan thì chính tôi lên tiếp xúc với sứ quán Ba Lan, họ cho tôi tất cả tài liệu, affiche, tranh ảnh về Ba Lan và tôi đang định làm số đó. Nhưng sau vụ tôi lên gặp ông Đồng ấy, thì ông Đang ông đùng đùng ông tự động thay đổi. Lê Đạt cũng bảo cái chuyện mà Đang lên nhà in tự động thay đổi nội dung rất là nguy hiểm. Thì rồi xẩy ra việc mà bên công an can thiệp, nhưng không can thiệp đến ban biên tập, không can thiệp đến người, chỉ đình số báo lại và không cho phát hành. Nếu số báo ấy ra thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Tất cả số báo đó tôi hoàn toàn không biết, tôi không biết nội dung như thế nào cả và tôi cũng chưa thấy nó vì người ta chặn ngay khi nó đang sous presse, đang còn in và không cho phát hành, như thế số báo ấy tôi không nắm được và tôi không biết nó như thế nào cả. Có những việc không bàn với tôi mà nó thành vấn đề thì chuyện đó tôi không chịu trách nhiệm. Tôi hoàn toàn không biết. Tôi định ra affiche Ba Lan, về văn học và hội họa Ba Lan, chứ tôi không viết về chính trị, nếu người ta hỏi tôi thì không phải là tôi phủi tay nhưng vì tôi không biết thành ra tôi không nhận nó. Chính Lê Đạt là người bảo tôi rằng: “Cậu đừng nghe lời thằng Đang vì thằng Đang nó quá tả trong những vấn đề này, cậu nhớ rằng mục đích chính của chúng mình là đi vào văn học nghệ thuật chứ không phải đi vào đấu tranh chính trị”. Còn những người ném đá giấu tay… thì ở trong đó có nhiều lắm. Nhưng thực ra Lê Đạt, tôi vẫn công nhận, Lê Đạt dù sao chăng nữa vẫn là đảng viên, là người từ Bộ Chính Trị, từ ông Trường Chinh mà đi xuống, thành thử Lê Đạt nó cũng có cái ngại của nó mà không dám làm quá, khi nào nó cũng ở một tư thế chính trực hoặc rất cân bằng, nó không như Đang. Sự thật Đang là người có tư tưởng chứ không phải là người bơ vơ như Hoàng Cầm hay Trần Dần đâu. Đang nó có tư tưởng. Đang có chủ trương chính trị rõ ràng, vì thế cho nên Lê Đạt rất ngại Đang và khi nào Lê Đạt gặp Đang là cũng cãi nhau. Ông Phan Khôi hay chép miệng thở dài: “Tôi cứ tưởng các anh gặp nhau, thống nhất với nhau rồi làm việc, chứ tôi thấy các anh cứ gặp nhau cãi nhau thế này thì không nên làm cái gì cả”
No comments :
Post a Comment