Một ngôi nhà mái tranh vách đất được trưng bày tại cuộc triển lãm về “Cải Cách Ruộng Ðất 1946-1957” để “tố cáo tội ác địa chủ, cường hào.” Sáu mươi năm sau, Việt Nam vẫn còn rất nhiều ngôi nhà tương tự. (Hình: Người Ðưa Tin)
Trong thực tế, cuộc “Cải Cách Ruộng Ðất” được thực hiện tại miền Bắc Việt Nam từ 1953-1956, nhằm tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột,” “phản quốc,” “phản động” như địa chủ, cường hào,thành viên các đảng đối lập... Người ta ước đoán có khoảng 5,000 người bị xử tử oan (trong đó không ít người là ân nhân của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam - tiền thân của Ðảng CSVN và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - tiền thân của chính quyền CSVN).
Cuộc “Cải Cách Ruộng Ðất” vừa kể khiến miền Bắc Việt Nam tan hoang, nhân tâm ly tán. Những sai lầm này nghiêm trọng tới mức, tháng 9 năm 1956, ông Trường Chinh phải từ chức tổng bí thư, Ban Chấp Hành Trung Ương của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam đưa ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính Trị, đưa ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương. Ðến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh, chủ tịch nước thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.
Chưa rõ vì sao, cuộc triển lãm đầu tiên về “Cải Cách Ruộng Ðất,” khai mạc hôm 8 tháng 9 và sẽ kéo dài cho đến cuối năm nay lại mở rộng thời gian “cải cách ruộng đất” bắt đầu từ 1946 đến 1957.
Cuộc triển lãm đầu tiên về “Cải Cách Ruộng Ðất” tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia chia làm bốn mảng. Một đề cập đến chủ trương về cải cách ruộng đất. Một đề cập đến việc thực hiện. Một đề cập đến kết quả “người cày có ruộng.” Mảng cuối cùng đề cập đến “sai lầm và sửa chữa sai lầm” được xem là sơ sài nhất vì chỉ có nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn sửa sai và báo cáo kết quả sửa sai từ một số địa phương.
Trả lời báo điện tử VietNamNet, ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia cho biết, mục tiêu chính của cuộc triển lãm nhằm “nhấn mạnh về những thành quả của cải cách ruộng đất,” còn “sai lầm và sửa sai” không phải là mục đích chính. Ông Cương nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải phơi bày sai lầm của lịch sử như vậy.”
Cũng vì vậy mà cuộc triển lãm bị công chúng chỉ trích kịch liệt. Trên các diễn đàn điện tử, các blog, hệ thống facebook, người ta gọi cuộc triển lãm là “bỉ ổi,” là “một bằng chứng khác về sự dối trá rẻ tiền, ngu dốt, đáng khinh.” Theo nhiều người, triển lãm này sẽ gợi ý cho những người chưa biết tường tận về “cải cách ruộng đất” tự tìm thông tin để hiểu đúng, hiểu đủ về nó.
Những hình ảnh đấu tố địa chủ thế này đã không xuất hiện trong cuộc triển lãm. (Hình: Internet) |
Ông Quốc cho rằng, sau 60 năm, nếu vẫn tiếp tục cho rằng, địa chủ là gian ác và bóc lột còn nông dân thì tốt bụng và nông dân giành được ruộng đất là một thắng lợi to lớn thì “tác động vào đời sống xã hội sẽ không như mong muốn khi nhìn lại một vấn đề của quá khứ,” thậm chí “có thể sẽ tạo sự phản cảm ở giới trẻ.”
Ông Quốc lấy vị dụ về ngôi nhà tranh, vách đất được trưng bày tại triển lãm để mô tả sự nghèo khổ của nông dân trước “cải cách ruộng đất” và nhấn mạnh “bây giờ cũng không hiếm những ngôi nhà như thế ở vùng sâu, vùng xa.”
Tuy nhiên ông Quốc tỏ ra thông cảm với Ban Tổ Chức, bởi “triển lãm được thực hiện trong bối cảnh chưa có tổng kết nào chính thức.”
Ðến giờ, nhiều hậu quả của “Cải Cách Ruộng Ðất” vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Năm. Bà Năm là “một phụ nữ giàu có, có đất đai và sản nghiệp ở đô thị, triệt để ủng hộ cách mạng nhưng cuối cùng lại trở thành người phụ nữ đầu tiên bị mang ra đấu tố và bị giết.”
Ông Quốc cho biết, ông đã được đọc nhiều đề nghị của nhiều lãnh đạo cao cấp về sửa sai nhưng đến nay mới chỉ có sửa đổi duy nhất: Không gọi những người bị giết oan là “địa chủ, cường hào” như trước, mà gọi họ là “địa chủ kháng chiến.” Ngoài ra “không hề có chính sách nào thể hiện rõ là sai thì phải sửa đến nơi đến chốn, nhất là liên quan đến tính mạng con người, liên quan đến niềm tin của một thế hệ.”
Với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, ông Quốc bảo rằng, ông không chấp nhận cách giải quyết vấn đề theo kiểu: “Thôi, chuyện lịch sử nó phức tạp quá, không bới ra làm gì nữa.”
Ông Quốc nói thêm, cần phải bàn về việc: “Có cần thiết phải làm một cuộc phát động long trời lở đất như thế, dẫn đến những việc làm cực đoan như thế và để lại những hậu quả nặng nề như thế hay không?” Sự bàn bạc đó, theo ông Quốc là cho tương lai. Ðó là “tinh thần tự chủ, giải quyết vấn đề của nước mình trên cơ sở của nước mình, chứ không phải áp đặt việc học hỏi các nước khác một cách cực đoan.”
Ông Quốc xác nhận: “Quá nhiều tài liệu cho chúng ta biết Việt Nam phải tiến hành ‘cải cách ruộng đất’ để nhận được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, không phải chỉ riêng Trung Quốc mà cả Liên Xô nữa.” (G.Ð)
No comments :
Post a Comment