Trần Gia Phụng (Danlambao) - Hiện nay, theo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), ngày sinh chính thức của Hồ Chí Minh (HCM) là ngày 19-5-1890. Tuy nhiên, có tài liệu cho biết HCM có nhiều ngày sinh khác nhau.
Tài liệu thứ nhất
Theo tài liệu ông Lê Thanh Cảnh, một người cùng học lớp với HCM ở trường Quốc Học (Huế), thì HCM lúc đó có tên là Nguyễn Sanh (Sinh) Côn (Cung) đậu Tiểu học năm 1907, và nhập học lớp nhứt niên trường Quốc Học vào đầu niên khóa năm nầy, vào giữa tháng 9-1907. Nhứt niên là năm thứ nhứt bậc trung học tức lớp 6 ngày nay. Cũng theo tài liệu nầy, tháng 4-1908, tại Huế xảy ra những cuộc biểu tình xin giảm xâu hạ thuế mà dân chúng thường gọi là Trung Kỳ dân biến. Nguyễn Sanh Côn tham gia cuộc biểu tình nầy và bị truy nã, phải bỏ học, bỏ trốn khỏi Huế. Lúc đó Nguyễn Sanh Côn (Nguyễn Sinh Cung) khoảng 18 tuổi. (Lê Thanh Cảnh, tạp chí Hoài niệm Quốc Học, Huế: 1956, tt. 37-39.)
Vào đầu thế kỷ 20, người Việt còn dùng âm lịch để tính tuổi. Tuổi âm lịch gọi là tuổi ta. Tuổi dương lịch gọi là tuổi tây. Tuổi ta hay tuổi âm lịch lớn lơn tuổi tây hay tuổi dương lịch một tuổi. Tác giả Lê Thanh Cảnh không cho biết tuổi Nguyễn Sinh Cung lúc đó là tuổi âm lịch hay tuổi dương lịch. Vì vậy không biết Nguyễn Sinh Cung, sau có tên là HCM sinh năm 1890 hay 1891?
Sau biến cố ở Huế, Nguyễn Sinh Cung vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Thuận. Tại Bình Thuận, Nguyễn Sinh Cung dùng tên mới là Nguyễn Tất Thành xin vào dạy Quốc ngữ ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) khoảng tháng 9-1910. (Hồ Tá Khanh, Thông sử công ty Liên Thành, Paris: 1983, tr. 34.)
Tài liệu thứ hai
Sau Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy đi Pháp, rời Sài Gòn ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp ngày 6-7-1911. (Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 2, tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 210.)
Chỉ hơn hai tháng sau, ngày 15-9-1911, tại Marseille, Nguyễn Tất Thành viết tay hai lá đơn bằng tiếng Pháp, cùng nội dung, chỉ khác tên người nhận; một gởi cho tổng thống Pháp và một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin đặc ân để được vào học Trường Thuộc Địa Paris (École Coloniale de Paris). Sau đây là bản dịch lá đơn của Nguyễn Tất Thành:
Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911
Kính gởi Tổng thống Cộng Hòa,
Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa.
Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.
Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của nền học vấn.
Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An Nam.
Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.
Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,
con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng).
Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Hán.
Ở đây, khoan bàn đến chuyện nội dung lá đơn, mà chỉ xin lưu ý là vào cuối đơn, Nguyễn Tất Thành tức HCM tự ghi là ông ta sinh năm 1892. Đây là tài liệu thứ hai về năm sinh của HCM.
Tài liệu thứ ba
Trong bài báo nhan đề “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale”, tạp chí Revue française D'Histoire d'Outre-mer, tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d'Histoire d'Outre-mer, tr. 105, Jacques Dalloz viết: “Au début de 1922, il s'est présenté l'initiation de la loge la Fédération universelle (Paris GODF), recommandé par le graveur Boulanger. Sa fiche indique: “Nguyen Ai Quấc, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur en photo, dessinateur”. Xin tạm dịch: "Vào đầu năm 1922, do sự giới thiệu của một nhà chạm trỗ tên là Boulanger, ông ta dự lễ gia nhập của tổ Fédération universlle (Paris GODF). Phiếu của ông ta ghi là: “Nguyễn Ái Quấc, sinh ngày 15-2-1895 (An Nam), thợ tô sửa hình, thợ vẽ.” [Chữ An Nam vào thời đó chỉ Trung Kỳ.]
Sau bài báo kể trên, Jacques Dalloz còn xuất bản sách Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002. Sách nầy trình bày đầy đủ những nhân vật Tam Điểm ở Việt Nam, trong đó có Nguyễn Ái Quấc tức HCM cũng với ngày tháng năm sinh vừa kể.
Trong đơn xin vào học Trường Thuộc Địa Paris, Nguyễn Tất Thành tức HCM, tự ghi là sinh năm 1892. Nay trong hồ sơ gia nhập hội Tam Điểm ở Paris, Nguyễn Ái Quấc (Quốc) tức là HCM, tự ghi là sinh năm 1895. Hai năm sinh trên đây do chính HCM tự tay ghi, nhưng lại khác nhau. Rồi HCM sẽ còn chọn thêm một ngày sinh khác nữa như sau.
Tài liệu thứ tư
Tại Hà Nội, ngày 6-3-1946, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, HCM ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp, gồm 2 điều chính: 1) Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương (LBĐD) và trong Liên Hiệp Pháp (LHP). 2) Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật.
Dầu đã thề chống Pháp đến cùng trong ngày thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2-9-1945), HCM vẫn ký thỏa ước theo đó điều 1 ghi rằng Việt Nam nằm trong LBĐD và trong LHP. Như thế, về hành chánh, Việt Nam dưới quyền của cao ủy Pháp, người đứng đầu LBĐD.
Ngày 18-5-1946, đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương, đến kinh lý Hà Nội. Trên danh nghĩa, D’Argenlieu là cao ủy, đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương, đứng đầu LBĐD. Theo thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946, Việt Nam là một quốc gia trong LHP và trong LBĐD. Trong nghi thức hành chánh và giao tế, khi đón tiếp cao ủy đại diện chính phủ Pháp, đứng đầu LBĐD, chính phủ Việt Nam phải treo cờ chào mừng D’Argenlieu.
Tuy nhiên, nếu treo cờ chào mừng quan Tây đến Hà Nội, thì hoặc bị dân chúng chê cười, hoặc bị dân chúng phản đối vì lúc đó dân chúng rất căm thù Pháp và nhất là dân chúng chưa quên việc HCM thề cương quyết chống Pháp đến cùng ngày 2-9-1945.
Nhà nước Việt Minh CS liền tuyên truyền rằng treo cờ trong ba ngày từ 19 đến 21-5-1946 là để mừng sinh nhựt chủ tịch HCM là ngày 19-5. Mừng sinh nhựt thì treo cờ một ngày mà thôi, chứ treo chi tới ba ngày là thời gian D’Argenlieu có mặt ở Hà Nội? Hơn nữa, trước đây, trên đường hoạt động chính trị, HCM không bao giờ nói chuyện sinh nhựt của mình, thì tại sao nhân cuộc thăm viếng của D’Argenlieu lại có chuyện sinh nhựt HCM?
Vì các lẽ đó, dân chúng cho rằng HCM ngụy tạo sinh nhựt để có lý do treo cờ nhằm đón tiếp D’Argenlieu vì D’Argenlieu đứng đầu LBĐD, mà Việt Nam nằm trong LBĐD, có nghĩa là D’Argenlieu là lãnh đạo của HCM nên HCM phải ra lệnh treo cờ để đón tiếp quốc trưởng. Từ đó, ngày 19-5 được CSVN xem là ngày sinh chính thức của HCM.
Tài liệu thứ năm
Ngày 11-4-2001, trong bài nói chuyện về HCM tại Trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục Hà Nội, một cán bộ CS tên là Sơn Tùng cho biết rằng vào năm 1950, ông đã gặp ông Cả Khiêm tức Nguyễn Sinh Khiêm, còn có tên là Nguyễn Tất Đạt, anh của Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành tức HCM. Nhân dịp nầy, ông Cả Khiêm giao cho ông Sơn Tùng cuốn Tất Đạt tự truyện, trong đó có đề cập đến HCM. Dựa vào tài liệu của ông Cả Khiêm, Sơn Tùng quả quyết rằng HCM sinh năm 1891. (Minh Võ, Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, Virginia: Nxb. Tiếng Quê Hương, 2003, tr. 400.)
Gần đây, theo sách Đèn cù của Trần Đĩnh, California: Người Việt Books, 2014, chương mười bốn, tr. 169, tác giả nầy cho biết rằng vào đầu năm 1960, Tố Hữu thành lập nhóm viết tiểu sử HCM với danh nghĩa là Ban Nghiên cứu lịch sử đảng, gồm có Phạm Bình, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Trần Đĩnh. Tố Hữu cử hai nhà văn đến tận quê của HCM ở Nghệ An để sưu tầm tài liệu. Báo cáo của cuộc sưu tầm cho biết rằng HCM sinh năm 1891 (tân mão). Báo cáo nầy cho rằng đó là lời của của ông Cả Khiêm, anh trai của HCM, “nói thế, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng”.
Ban viết tiểu sử trình lên cho HCM, thì HCM trả lời rằng “người ta thế nào thì cứ để thế không sửa sai gì hết”. Điều đó có nghĩa là HCM không muốn sửa đổi ngày tháng năm sinh đã được đưa ra trước đây tức ngày 19-5-1890. Nhóm viết tiều sử cho rằng HCM muốn giữ năm 1890 cho dân chúng dễ nhớ số tròn.
Chuyện một lá số tử VI
Tài liệu của ông Sơn Tùng năm 2001 và tiết lộ trong sách Đèn cù năm 2014 dựa trên bằng chứng trong gia đình của ông Cả Khiêm, anh ruột của HCM, phù hợp với một lá số tử vi trong sách Tử vi đẩu số tân biên do Vân Đàng Thái Thứ Lang soạn và ấn hành ở Sài Gòn năm 1957.
Trong sách nầy, lá số không đề tên đương số, mà tác giả Vân Đằng chỉ ghi chú như sau: “Số gian hùng. Năm Bính Thân – 1956 - 66 tuổi. Đã có sự nghiệp lớn lao. Nhưng hại dân hại nước.” [66 tuổi theo lá số tử vi là tuổi âm lịch, tương đương 65 tuổi dương lịch.]
So sánh tuổi tác của các lãnh tụ chính trị Việt Nam lúc đó (65 tuổi năm 1956), ai cũng đều cho rằng đây là lá số tử vi của HCM. Theo lá số nầy, đương số sinh ngày 6 tháng 6 năm tân mão. (Vân Đằng Thái Thứ Lang, Tử vi đẩu số tân biên, Sài Gòn: Tín Đức Thư Xã, 1957, phụ bảng D cuối sách.) Ngày 6 tháng 6 năm tân mão tức ngày 11-7-1891.
Bỏ qua một bên chuyện tử vi của đương số vì không phải là chuyện lịch sử. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang biết được giờ, ngày, tháng và năm sinh của đương số để an sao lá số tử vi nầy?
Có nguồn tin cho rằng tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang thuộc một gia đình văn học khoa bảng Hán học, phụ thân là vị cử nhân Hán học, đã từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975, hai bác ruột đều là cử nhân, ông nội là vị tiến sĩ Hán học, ông cố là vị phó bảng Hán học… Gia đình của tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang lại là chỗ quen biết thân tình với gia đình Nguyễn Sinh Sắc. Nhờ vậy, biết rõ giờ, ngày tháng năm sinh của các con ông Sắc, nên tác giả Vân Đàng Thái Thứ Lang mới an sao được lá số tử vi nầy. Tác giả sách Tử vi đẩu số tân biênkhông đề tên thật trên sách, vì vậy ở đây xin tôn trọng ý muốn của tác giả. Xin tồn nghi về chuyện ngày tháng năm sinh của đương số để tìm hiểu thêm.
Kết luận
Qua các tài liệu trên đây, HCM nhiều lần tự khai ngày tháng năm sinh hoàn toàn khác nhau, nên không biết ngày nào là đúng ngày sinh HCM. Điểm cần chú ý là vào thời HCM ra đời, việc làm giấy khai sinh chưa được phổ thông và người Việt còn dùng âm lịch, chưa dùng dương lịch. Vào thời nầy, rất ít người được gia đình làm giấy khai sinh khi mới ra đời và sổ sách giấy khai sinh còn đơn giản, không lưu trữ được, nên rất dễ giả mạo. Việc đối chiếu, so sánh giữa âm lịch và dương lịch còn khó khăn. Đó là hoàn cảnh thuận lợi cho những người muốn che giấu nhân thân, gặp đâu khai đó, tự ý khai báo khác nhau về lý lịch của mình trong khi hoạt động.
Vì vậy, khi làm đơn xin vào các cơ quan hay tổ chức của Pháp, HCM tự ý khai ngày tháng năm sinh dương lịch khác nhau tùy theo điều kiện do hoàn cảnh đòi hỏi, và nhất là còn tùy bản chất của một người chuyên thay tên đổi họ nhằm đánh lừa xã hội. Như thế, năm sinh HCM thì có thể là 1891, nhưng ngày tháng sinh HCM chắc chắn không phải là 19-5 và vẫn còn là một bí ẩn.
(Toronto, 26-9-2015)
No comments :
Post a Comment