Tuesday, January 21, 2014

• Đi tìm Bà Nhu

Bà Ngô Đình Nhu và con gái là Ngô Đình Lệ Thủy xuất hiện trên hình
bìa tạp chí Life ngày 11 Tháng Mười năm 1963. (Hình: AP Photo)
Bà Nhu là vợ ông Ngô Đình Nhu, em ruột và là cố vấn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bà tên thật là Trần Lệ Xuân, và là một dân biểu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng người ta hầu như không ai gọi bà là Dân Biểu Trần Thị Xuân, mà bằng những tên khác: Bà Cố Vấn, Bà Ngô Đình Nhu, Bà Nhu, Đệ Nhất Phu Nhân (thời đó), vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm không có vợ.

Bà Nhu được biết tới qua sự bặt thiệp, lưu loát cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, dáng người thanh lịch trong kiểu áo dài cổ thuyền (do chính bà thiết kế) rất thông dụng, mà dân gian gọi là “cổ bà Nhu.” Tên bà cũng dính liền với Hội Phụ Nữ Liên Đới, Bộ Luật Gia Đình, gồm những luật như cấm phá thai, ly dị, ngoại tình, khiêu vũ và thi hoa hậu, mà người khen thì cho là bênh vực phụ nữ, kẻ chê lại bảo là những bộ luật đẩy phụ nữ thụt lui hàng chục bước.

Bà Nhu bị nhiều người cùng thời không ưa. Họ tả bà bằng những tĩnh từ thiếu thiện cảm: Hách dịch, kiêu căng, ác miệng, thiếu ngoại giao, quá khích. Còn nữa, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson, khi gặp bà lần đầu tiên gần như bị hớp hồn, quên phép tắc ngoại giao, tán tỉnh bà trước bá quan văn võ. Cựu Tổng Thống John F Kennedy thì ghét bà thậm tệ. Nhiều sử gia cáo buộc rằng bà là nguyên nhân khiến chế độ Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ tiếp tay đảo chánh, và khiến nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam sụp đổ.

Đặc biệt, thế giới bên ngoài Việt Nam đặt cho bà danh hiệu “The Dragon Lady” tạm dịch là “Bà Rồng Cái,” một cụm từ có tính cách miệt thị, mà người Tây Phương dùng để tả những người đàn bà Á Đông bí hiểm, quyền biến, mưu mô, nói tóm lại là “quá quắt.”

Nhưng dù chê trách hay ngưỡng mộ bà, đa số đều đồng ý rằng bà Ngô Đình Nhu là người phụ nữ được chú ý và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Bà Nhu có thực sự ghê gớm như những lời đồn đãi?

Bị mê hoặc bởi dung nhan, vóc dáng, tính dám nói dám làm, và những lời đồn đãi về bà, học giả Monique Brinson Demery, ra đời sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có bằng thạc sĩ về nghiên cứu khu vực Đông Nam Á từ Đại Học Harvard, đã bỏ một thời gian rất dài để truy tầm, tìm hiểu và tiếp xúc với cho bằng được với con người thật đằng sau cuộc đời đầy thảm họa, dính liền với giai đoạn đầu của cuộc chiến Việt Nam.

Tác giả Monique Demery cho biết đã bị những giai thoại và các bài tường thuật báo chí về nhân vật “Dragon Lady” lôi cuốn từ hồi nhỏ, và muốn kể chuyện về cuộc đời bà Nhu bằng “sự thật” nhìn từ phía bà, với tiền đề là biết đâu nhân vật “đáng sợ” này chính là một người rất đáng thương?

Kết quả hành trình đi tìm kéo dài nhiều năm, khởi sự từ 2005 đến khi bà Nhu qua đời, được Monique Demery kể lại tỉ mỉ trong cuốn “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu,” viết bằng tiếng Anh, dài 280 trang, bìa cứng, do nhà xuất bản Public Affairs phát hành cuối Tháng Chín năm 2013, hơn hai năm sau ngày bà Ngô Đình Nhu trở thành người quá cố.
Monique Demery chọn một hình ảnh biểu tượng của bà Nhu làm hình bìa của cuốn sách. Trong hình, bà Nhu mặc chiếc áo dài Việt Nam ôm sát người, tóc bới cao, tay cầm một khẩu súng, chìa ra phía trước, mắt nheo lại trong thế sẵn sàng nhả đạn. Đây là một chọn lựa xuất sắc, vì tấm hình này cùng một lúc nói lên nhiều khía cạnh của nhân vật, khiêu khích, quyến rũ, và nguy hiểm, những điều thiên hạ hay nói đến khi nhắc đến hai chữ “Dragon Lady.”

Bằng một giọng kể chuyện thân tình, lôi cuốn, tác giả Monique Demery đưa người đọc hồi hộp cùng bà tham dự cuộc hành trình ly kỳ, từ lúc rảo bước tại thành phố Paris, truy tìm ra căn hộ của bà Nhu, chỉ dựa theo một câu tả mơ hồ trong bài viết trên một trang blog Việt ngữ.

Như một thám tử kiên trì, Monique tìm được đúng nơi bà Nhu cư ngụ, để lại một bức thư, và liên tục viết cho bà nhiều thư khác nữa, cho đến khi, sau nhiều tháng săn đuổi, điện thoại của nhà Monique Demery vang lên một sáng sớm, khi cô còn ngái ngủ, và đầu dây bên kia là một giọng xa xôi, tự xưng là Madame Nhu.

Độc giả thở ra nhẹ nhõm khi biết sau khi đã tra hỏi nhiều lần, và yên tâm Monique Demery không phải là một gián điệp của CIA, cũng không phải là một phóng viên của tuần báo Times, bà Nhu “cảm ơn Thiên Chúa” đã gửi một thiên thần đến giúp bà “hoàn tất cuốn hồi ký, trong đó mọi sự thật sẽ được phơi bày.”

Như một người ái mộ cuối cùng được tiếp xúc (dù chỉ qua điện thoại) với một minh tinh màn bạc lừng danh mà mình từ lâu mê đắm, và vì hứa hẹn “mọi việc sẽ được phơi bày,” Monique Demery ngoan ngoãn chiều theo tất cả mọi điều kiện, hoàn toàn để bà Nhu chủ động trong mọi tiếp xúc.

Sau nhiều cuộc nói chuyện hàng giờ qua điện thoại, mà bà Nhu luôn luôn gọi không báo trước, Monique Demery thấy mình “say đắm” như đoạn đầu của một cuộc tình lãng mạn. Khi được bà Nhu cho một cái hẹn gặp ở Paris, Monique Demery khăn gói quả mướp, mang theo đứa con nhỏ mới sinh, đáp chuyến bay sớm nhất qua Paris, hấp tấp đến điểm hẹn là một nhà thờ, chờ ở đây đến tối, chỉ để bị cho leo cây, không chỉ một lần, mà hai lần.

Không gặp được nhau, “cuộc tình lãng mạn” giữa hai người lại tiếp tục qua điện thoại. Ngay cả khi bà Nhu gửi cho những trang hồi ký, trong đó không phơi bày những sự thật mà Monique Demery mong đợi, mà chỉ đầy những suy nghĩ về tôn giáo, về đời sống tâm linh, tác giả cuốn “Finding the Dragon Lady” vẫn ôm ấp hoài bão muốn hiểu bà, cứu bà, vì cảm thương cho hoàn cảnh của bà.

Giải thích hành động mâu thuẫn tự hẹn rồi không cho gặp của bà Nhu, Monique Demery tỏ ra đồng cảm với tâm lý tế nhị của người phụ nữ nổi tiếng từ thời còn trẻ đẹp, rằng có lẽ bà Nhu không muốn hình ảnh yêu kiều xưa kia của mình bị xóa nhòa, và thay thế bằng hình ảnh một cụ già yếu ớt, hơn tám mươi tuổi.

Cuối cùng thì Monique Demery cũng khám phá ra một số dữ kiện về cuộc đời bà Nhu mà ít người biết đến. Chẳng hạn ấu thời, bà Nhu gần như bị cha mẹ bỏ rơi, dù được sinh ra trong một gia đình thượng lưu, vì bà chỉ là một người con gái, lại là con gái thứ. Việc chăm sóc bà Nhu được mẹ bà giao cho vú em, người vú em đùn việc săn sóc cho người làm vườn, đến nỗi bà Nhu bị nhiễm trùng đến suýt chết. Lớn lên, vẫn trong mặc cảm là người con không được thương yêu, muốn thoát ly gia đình, bà Nhu bằng lòng kết hôn với người chồng lớn hơn mình nhiều tuổi, là ông Ngô Đình Nhu, dù không hề yêu ông.

Qua lời kể của Monique Demery, bà “Rồng Cái” Ngô Đình Nhu không chỉ là một người đàn bà có vẻ đẹp hấp dẫn nhưng ác miệng. Demery đơn cử một số việc làm của bà Nhu, mà theo lời kể của chính bà, là đã giúp củng cố chế độ Ngô Đình Diệm, kể cả việc cho ra đời Bộ Luật Gia Đình gây nhiều tranh cãi.

Trong đoạn cuối của “Finding the Dragon Lady,” tác giả Monique Demery nhắc đến cuốn nhật ký do bà Nhu viết bằng tiếng Pháp vào khoảng thời gian 1959 đến năm 1963, hiện do Đại Úy James Văn Thạch giữ. Cuốn nhật ký này đã được Học Viện Hoover thuộc Stanford University chứng thực là chữ viết của bà.

Cùng trong khoảng thời gian cuốn “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” được phát hành, một hồi ký khác của bà Nhu, được con cháu bà xuất bản bằng tiếng Pháp tại Pháp. Chưa ai biết cuốn hồi ký này và cuốn mà tác giả Monique Demery sau nhiều năm chinh phục mới có trong tay, không biết có phải cùng một cuốn không.

Sau khi sách được bày bán khắp nơi, khi được hỏi hỏi “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” liệu có cải thiện được hình ảnh bà Nhu trong cái nhìn của mọi người, tác giả Monique Demery trả lời rằng mục đích của bà khi viết sách không nhất thiết là để cải thiện hình ảnh của bà Nhu, mà để vạch ra sự bất công của người đời, khi phê phán một phụ nữ cuộc đời đầy đau thương, mà không cần tìm hiểu xem người ấy thực sự là ai, cũng như hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của người phụ nữ này trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, và những khúc mắc về cuộc chiến Việt Nam mà cho đến giờ nhiều người trong chúng ta vẫn không hiểu rõ.

Nếu xét theo mục đích muốn phơi bày những bí mật quanh cuộc đời bà Nhu, và những gì thực sự xảy ra giữa hai chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam thời đó, có lẽ cuốn “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” làm độc giả hơi thất vọng. Đọc hết xong 280 trang, tâm tư của bà Nhu vẫn là một điều bí ẩn, và những gì người ta hiểu về bà, đúng hay sai, sau cuốn sách này, nhiều thập niên sau, phần lớn vẫn không thay đổi.

Mặc cho nhiều năm và công sức, tác giả Monique Demery đã không thành công trong việc làm cho bà Nhu bỏ đi sự đề cao cảnh giác. Người phụ nữ sắc như dao này, ở tuổi hơn 80, vẫn hoàn toàn chủ động, chỉ cho tác giả Monique Demery biết những điều bà muốn cho biết.

Bà Ngô Đình Nhu chết đi, với bí mật vẫn còn nguyên vẹn, vì bà muốn như thế!

Hà Giang/Người Việt

1 comment :

  1. Cả mẹ và con đều đẹp ! Thế cho nên Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson khi gặp bà mê quá nên quên cả phép tắc ngọai giao.

    ReplyDelete


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>