Lịch sử hình thành Đan Viện
Từ ngã ba Mỹ Ca (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đi qua khỏi cầu Long Hồ nếu đi thẳng chúng ta sẽ vào vùng 4 Hải Quân, nơi này, ai không có phận sự, ai không được sự cho phép tuyệt nhiên không ai được vào. Bởi vì nó là vùng căn cứ quân sự bí mật, phải qua biết bao vòng kiểm soát. Còn rẽ trái sẽ là hướng dẫn du khách đến với sân bay Quốc tế Cam Ranh và cũng là hướng đi Nha Trang. Chính từ ngay cây cầu được xây dựng từ thời VNCH này, du khách sẽ được nhìn thấy một quần thể kiến trúc kiểu Pháp đồ sộ, cổ kính và bí ẩn. Đó bao gồm cả một nhà thờ Công Giáo, một tòa nhà 2 tầng bề thế và 2 căn nhà nằm ở phía sau.
Tôi là một dân hay đi phượt (tiếng lóng để nói về những người đi du lịch bụi, không thông qua những công ty du lịch lữ hành), trước đây đã rất nhiều lần qua lại trên con đường này, nhìn những tòa nhà cổ kính ấy mà luôn đặt ra những câu hỏi: Chúng là của ai? Được xây khi nào? Giờ có còn sử dụng hay không?... và vô số câu hỏi khác, chính những nghi vấn ấy đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu nó. Nhân một chuyến ra Nha Trang tôi đã tìm lời giải đáp cho những nghi vấn của mình bấy lâu nay về nhà thờ cổ kính kia.
Đan Viện Citeaux nhìn từ hướng cầu Long Hồ. Phía trước mặt là con sông Thủy Triều.
Nhà thờ nằm kế bên con sông Thủy Triều thơ mộng, nước sông xanh ngắt. Và tôi mường tượng rằng, mỗi đêm trăng sáng, bóng nhà thờ đổ xuống cùng với những hàng dừa ắt sẽ làm cho khung cảnh vô cùng hữu tình.
Theo những thông tin mà tôi tìm kiếm, nhà thờ chính là Đan viện Citeaux Mỹ Ca, được xây dựng từ năm 1934 đến năm 1938 thì hoàn thành. Nhà thờ có cùng kiến trúc, niên đại với Nhà Thờ Núi (nhà thờ Chánh tòa) Nha Trang. Nơi đây trước kia là một dòng kín, dòng tu Citeaux. Từ trước khi những linh mục thuộc dòng Lérins ở nước Pháp đến, thì nơi đây chỉ là một làng chài hẻo lánh. Làng chài này nằm gần nơi cổng vào Vùng 4 Hải Quân với số dân khoảng 200 người. Từ sau năm 1975, những người dân đã từng sống ở nơi đây bị chính quyền CSVN buộc phải di dời về ở làng Xuân Ninh cách đó khoảng 4km.
Theo những người đã từng sống ở khu vực lân cận nhà thờ, ngày trước Đan viện này chỉ dành cho nam và là một dòng kín, nữ giới cấm tuyệt không được vào nơi đây. Để đến được với Đan viện, người dân chỉ có thể đi bằng thuyền.
Việc tìm kiếm thông tin về Đan viện này cũng rất phức tạp, vì nó đã bị bỏ hoang khá lâu nên chẳng còn mấy người biết đến. Ấy là chưa nói những người dân sống lân cận nhà thờ đã bị buộc di dời đi nơi khác, nhà cửa, đất đai của họ sau 1975 đã bị quốc hữu hóa và sau này được chia lại cho những quân nhân Hải quân hoặc gia đình của họ. Có người cho rằng, dòng tu này đã bỏ hoang từ năm 1965 khi người Mỹ đến Cam Ranh và sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự nhằm kiểm soát cả khu vực Đông Nam Á và biển Đông. Nhưng thông tin này không chính xác. Ordinary Guy- một cựu quân nhân Mỹ, người mà tôi quen được trên internet thông qua mạng xã hội Facebook, thật may là ông từng đã đồn trú tại Cam Ranh trong vòng 18 tháng từ năm 1966-1967 cho biết, nhà thờ vào thời điểm ông đóng quân vẫn hoạt động bình thường. Những binh sỹ Mỹ như anh bị cấm không được đến gần khu vực nhà thờ để không làm ảnh hưởng đến việc tu tập của các thầy tu.
Quần thể kiến trúc Đan Viện Citeaux nhìn từ trên cao. Hình được chụp trong phòng Truyền thống của Đan Viện Mỹ Ca tại thôn Lập Định. |
Nguyên nhân Đan Viện bị bỏ hoang
Theo sự chỉ dẫn của ông Hải tôi đi đến Đan Viện Citeaux mới được hình thành sau này. Đan Viện tọa lạc tại thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa, nơi cách xa Đan Viện cũ khoảng độ 30km. Đan Viện được xây dựng theo phong cách kiến trúc mới, bề thế và nguy nga. Khuôn viên của Đan Viện được bài trí hài hòa sơn thủy hữu tình, với mặt hồ và những hàng cây tỏa bóng mát. Đây quả thực là một nơi lý tưởng để tu tập, chiêm nghiệm lời Chúa.
Tiếp tôi là một vị thầy tu tuổi trạc 60. Sau một hồi hướng dẫn tôi đi quanh nhà thờ và nói sơ qua về lịch sử hình thành, phát triển Đan Viện, thầy cho biết:
Vào khoảng năm 1977, chính quyền mới cho rất nhiều người gồm cả Quân đội và Công An tiến đến nhà thờ, họ ra lệnh buộc chúng tôi phải rời khỏi nhà thờ trong vòng một tuần lễ, nếu ai không tuân thủ sẽ bị bắt.
Từ sau năm 1975, việc bắt bớ các tu sĩ, giáo dân Công giáo được diễn ra thường xuyên. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho Đan Viện này trở nên tan tác mỗi người một ngã. Người thì tu xuất để trở về với đời sống thường, kẻ chống đối thì bị bỏ tù. Cho đến năm 1977, chính quyền chính thức trục xuất các tu sĩ trong dòng đi một nơi khác, và nơi họ được chọn chính là Đan Viện mới ngày nay.
Đan Viện mới được thành lập từ năm 1977 trên vùng đất mà trước đây Đan Viện đã tậu được. Chính quyền buộc họ phải dời đến đó và cũng không quên tước đoạt rất nhiều diện tích đất của họ. Nếu vào năm 1968, đất của Đan Viện là 349 mẫu, thì nay chỉ còn lại 3 mẫu đất. Những biến cố tang thương của dân tộc cộng thêm với sự hành xử côn đồ của chính quyền đã tác động đến rất nhiều đời sống tu tập của các tu sĩ. Khi trở về với Đan Viện mới này họ chỉ còn có 4 người, gồm 2 linh mục và 2 đan sĩ. 3 mẫu đất có thể lớn đối với 4 người, nhưng nếu dành cho 1 Đan Viện thì lại quá nhỏ.
Đan Viện Citeaux nhìn chính diện. Ngoài 2 công trình kiến trúc này, ẩn phía sau lưng còn có thêm 2 dãy nhà nữa. Trước Đan Viện trước đây đã từng là dãy lau, bụi rậm rạp, nhưng từ khi được một cty du lịch mua lại, họ đã cho san bằng để tòa nhà được thoáng đãng hơn.
Trải qua biết bao nhiêu biến cố, cách hành xử của chính quyền đã khiến cho các linh mục, đan sĩ trở lại đời sống “thầm lặng” của mình. Mãi cho đến khi họ biết được thông tin Đan Viện-nơi đã từng là chốn thờ phụng Thiên Chúa, chốn tu tập thiêng liêng của họ được bán cho một công ty dùng để phát triển du lịch. Đan Viện có gửi đơn đến chính quyền, mong chính quyền trả lại vùng đất mà trước kia đã từng là của Đan Viện. Câu trả lời của Đan Viện nhận được là giấy thông báo từ phía chính quyền cách đây vài tháng là, hãy đến nhận lại bức tượng Mẹ Maria được dựng trước nhà thờ, nếu không sẽ đập nát.
Người dân bị cấm vào khu vực nhà thờ kể từ khi có trạm gác của quân đội dựng lên. Trạm gác này chỉ mới được cho đặt khoảng độ 5 năm đổ lại. Trước đó, một số dân đi phượt, người hiếu kỳ vẫn có thể thoải mái đến đây để nhìn ngắm tòa kiến trúc, chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Khoảng chừng độ 2 năm nay, hàng rào kẽm gai lại được kéo giăng, rào kín tất cả các ngã có thể dẫn vào nhà thờ. Người dân chỉ có thể nhìn nó từ phía xa, và đương nhiên trạm gác lúc nào cũng túc trực một quân nhân. Song, điều đáng ngạc nhiên là chỉ trong vòng 1 năm đổ lại, trạm gác đôi khi lại có sự xuất hiện của một người bảo vệ dân sự từ các Công ty bảo vệ.
Rất nhiều câu hỏi mà du khách khi đi ngang qua con đường này dành cho hướng dẫn viên khi nhìn thấy tòa nhà. Thông tin mà họ nhận được chỉ là nhà thờ từ thời Pháp, hiện nay không còn được sử dụng nhằm mục đích thờ phượng. Điều đó thường không làm thỏa mãn du khách. Họ muốn biết nhiều thông tin hơn từ nhà thờ bí ẩn và vì sao lại có chuyện từ một quần thể kiến trúc đẹp thế kia nay lại bỏ hoang phế.
Rất nhiều những lời bình luận trên mạng trước việc Đan Viện Citeaux có thể bị đập bỏ và xây dựng thành khu du lịch cho khách nhiều tiền. Với họ, việc gìn giữ Đan Viện không chỉ làm cho cảnh sắc ở đây được hài hòa, hữu tình mà nó còn ngăn chặn sự băng hoại về đạo đức khi cố muốn biến một nơi linh thiêng trở thành nơi chơi bời. Đó chính là một sự hạ nhục rất lớn đối với những người Công Giáo.
Ngọc Quân
No comments :
Post a Comment