Ông Đam, bà Ngân, ông Nhân và ông Phúc được cho là ứng viên tiềm năng cho chức thủ tướng |
Hội nghị lần này có một số nội dung quan trọng: Lần đầu tiên, các ủy viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN bỏ phiếu bày tò sự tín nhiệm đối với 16 thành viên Bộ Chính Trị.
Bàn về nhân sự lãnh đạo Đảng CSVN trong khóa 12 trước khi tổ chức Đại Hội Đảng Khóa 12 vào đầu năm 2016 - công việc mà ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng CSVN, gọi là “cho ý kiến về việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” và và “giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính Trị, Ban Bí thư.”
Truyền thông Việt Nam nói thêm rằng, hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 11 (Hội Nghị Trung Ương 10) sẽ “quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác” nhưng không cho biết chúng là gì.
Giới lãnh đạo Đảng CSVN đã từng chỉ đạo Quốc Hội Việt Nam tổ chức cho các đại biểu Quốc Hội Việt Nam bày tỏ sự tín nhiệm đối với những nhân vật đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Quốc Hội, Nhà Nước, Chính Phủ hai lần, một lần vào năm 2013, một lần vào năm 2014.
Giới này từng tuyên bố nhiều lần là sẽ làm như thế đối với chính họ: Tổ chức cho các ủy viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN bỏ phiếu bày tò sự tín nhiệm đối với 16 thành viên Bộ Chính Trị. Tuy nhiên những tuyên bố đó chưa được thực hiện.
Cho đến nay, chỉ mới có 9/16 ủy viên Bộ Chính Trị từng được đưa ra cho người khác xem xét, bỏ phiếu, xác định mức độ tín nhiệm, vì đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Quốc Hội, Nhà nước, Chính phủ. Đó là: ông Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch Quốc Hội), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội), bà Tòng Thị Phóng (phó chủ tịch Quốc Hội), ông Trương Tấn Sang (chủ tịch Nhà nước), ông Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng), ông Nguyễn Xuân Phúc (phó thủ tướng), ông Nguyễn Thiện Nhân (lúc còn là phó thủ tướng, chưa được chuyển qua làm chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam), ông Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng), ông Trần Đại Quang (bộ trưởng Công An).
Dẫu chuyện “bỏ phiếu tín nhiệm” vẫn bị chỉ trích là thiếu thực chất song vẫn còn bảy ủy viên Bộ Chính Trị khác nằm trong “vùng cấm” - chưa bao giờ để cho mình trở thành đối tượng để người khác có cơ hội xem xét, bày tỏ sự tín nhiệm do không nằm trong giới lãnh đạo Quốc Hội, Nhà Nước, Chính Phủ. Đó là ông Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư), ông Lê Hồng Anh (thường trực Ban Bí Thư), ông Đinh Thế Huynh (trưởng Ban Tuyên Giáo), ông Tô Huy Rứa (trưởng Ban Tổ Chức), ông Ngô Văn Dụ (chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra), Lê Thanh Hải (bí thư Thành Ủy Sài Gòn), Phạm Quang Nghị (bí thư Thành Ủy Hà Nội).
Nhiều người đang chờ xem diễn biến chuyện “bỏ phiếu tín nhiệm” đối với giới lãnh đạo Đảng CSVN tại Hội Nghị Trung Ương 10, đặc biệt là khi có những bằng chứng rõ rang cho thấy, giới này đang tìm nhiều cách để triệt hạ nhau, nhằm củng cố quyền lực theo kiểu băng nhóm.
Giống như giai đoạn giữa năm 2012 - thời điểm Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 11 họp Hội Nghị Trung Ương 6 (hội nghị được coi là dịp để xem xét trách nhiệm và xử lý ông Nguyễn Tấn Dũng - một ủy viên Bộ Chính Trị đang nắm giữ vai trò Thủ tướng, bởi đã phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới khủng hoảng kinh tế và xã hội), khoảng tháng 10 vừa qua, trên Internet đột nhiên xuất hiện blog mang tên “Chân dung quyền lực.”
Nếu trước Hội Nghị Trung Ương 6, blog mang tên “Quan làm báo” khắc họa ông Dũng và các “cận thần” như một nhóm người ngu dốt, tham lam, phạm nhiều đại tội, cần nghiêm trị thì gần đây, trước Hội Nghị Trung Ương 10, trên blog “Chân dung quyền lực,” ông Dũng được khắc họa như “một nhân tố nổi bật,” có khả năng giữ gìn sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Ngược lại, ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư đương nhiệm được xem là “kẻ phản bội, bất nhân, bất nghĩa.” Ông Trương Tấn Sang - chủ tịch Nhà Nước đương nhiệm được nhận định là “kẻ phá nát Đảng CSVN,” nhân vật thực hiện “cú lừa dân chủ” để tìm sự hậu thuẫn của quần chúng. Ông Nguyễn Sinh Hùng - chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm bị ví như thủ lĩnh của một “gánh chèo,” kẻ vừa dùng “Quốc Hội tấn công Chính Phủ,” vừa bán quyền lực để tham nhũng...
Đáng chú ý là ông Nguyễn Xuân Phúc - phó thủ tướng, nhân vật mà dư luận cho là có thể thay ông Dũng làm thủ tướng, bị chỉ trích dữ dội nhất.
Theo những tố cáo trên “Chân dung quyền lực” thì ông Phúc là một kẻ “thượng đội hạ đạp, phản thầy,” đã dùng nhiều thủ đoạn “thâm hiểm” nhằm hạ bệ ông Dũng, đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh - trưởng Ban Nội Chính của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Ông Phúc cũng bị tố cáo là tham nhũng, sở hữu một khối tài sản khổng lồ, cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. (G.Đ)
No comments :
Post a Comment