Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái) bên nạn nhân Phạm Duy Cường tại bệnh viện Yên Bái sáng 18/8/2016. |
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Lần đầu tiên một cuộc xả súng xảy ra bên trong Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, giết chết Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và ngay sau đó sát thủ cũng là một cán bộ kiểm lâm cao cấp, cũng tự sát sau khi gây án. Vụ giết người đẫm máu này cho thấy điều gì trong nội bộ của UBND tỉnh Yên Bái, và hệ quả nó ra sao?
Chấn động dư luận
Bảy viên đạn K59 bắn vào ba người, ba viên cho ông Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường, ba viên cho ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Ngọc Tuấn, viên còn lại dành cho người gây án: Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái.
Ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. |
Theo sự giải thích của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh cho biết thì sáng hôm nay,18 tháng 8 sẽ có cuộc họp HĐND tỉnh vào lúc 8 giờ nhưng vào khoảng 7 giờ trước lúc khai mạc, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh đi vào trụ sở tỉnh ủy, trước tiên đến phòng làm việc dùng súng K59 bắn Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường, tiếp đó ông Minh đến phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn cách đó 150m và bắn ông Tuấn. Ngay sau đó ông Minh dùng súng tự sát tại phòng làm việc của ông Tuấn.
Đây là lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam có một động thái được xem là hiếm thấy, đó là tổ chức họp báo ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân tới Ủy ban nhân dân tỉnh để làm việc sau khi vụ xả súng xảy ra. Động thái này nhằm minh bạch hóa vụ án không để dư luận xôn xao, mất phương hướng và nhất là cán bộ đảng viên cả nước mất bình tĩnh vì câu chuyện giết người này.
Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến hành động nghiêm trọng này vẫn là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Hàng chục lý do xoay quanh động cơ giết người của một cán bộ kiểm lâm làm người ta chú ý ngay tới việc phá rừng cũng như buôn lậu gỗ đang là đề tài nóng của tỉnh Yên Bái trong thời gian gần đây.
Động cơ giết người chính là câu hỏi bức xúc nhất của dư luận ngay sau khi vụ án diễn ra, mỗi người nhận định một cách khác nhau và trước tiên chúng tôi xin ý kiến của ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội, được ông cho biết:
Ông Ngô Ngọc Tuấn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
“Theo cảm nhận của tôi thì chuyện này thuộc về cá nhân thôi không có vấn đề chính trị gì trong này. Chắc là có mắc mứu cá nhân mà hành động nó không làm chủ được, nó bột phát như thế. Cụ thể như thế nào thì cơ quan điều tra người ta tìm hiểu kỹ để xác định được nhưng theo suy nghĩ và nhận định của tôi thì đây không phải là trường hợp mang tính chất chính trị mà đây là trường hợp mâu thuẫn cá nhân mà thôi.”
Có người cho rằng phải chăng vấn đề tổ chức nhân sự đã làm cho ông Minh bất mãn vì sợ mất ghế dẫn tới hành động giết người? Theo bà Phạm Thị Thanh Trà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, người tổ chức cuộc họp báo cho biết trước khi vụ việc xảy ra, tỉnh có chủ trương sáp nhập Chi cục kiểm lâm với một đơn vị khác, tuy nhiên chưa có quyết định gì cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Minh để vận động tư tưởng. Bà Trà khẳng định không có cơ sở để cho rằng nguyên nhân vụ việc dính tới công tác tổ chức cán bộ.
Rúng động đảng cộng sản
TS kinh tế Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà báo từng làm việc nhiều năm trong UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Vì bất cứ lý do gì thì cũng dẫn tới hành vi bắn nhau! Thay vì làm đơn tố cáo hay triệt hạ nhau bằng những thủ pháp chính trị như trước đây có nghĩa là về mặt mức độ xung đột và tính chất xung đột đã khác hẳn trước đây, nó thể hiện ra hành vi và hành vi cực kỳ thô bạo, hành vi đó là hành vi thảm sát. Tất nhiên bây giờ chưa thể biết đây có vấn đề tư thù, quyền lợi hay tranh chấp nhưng khi đã thể hiện ra như vậy và giữa những người quan chức cấp cao như vậy thì rõ ràng đây là chuyện lớn rồi, đây là chuyện rất nguy hiểm đối với đảng, có thể nói nó đẩy đảng đứng trước một bờ vực. Một ranh giới sụp đổ trên bờ vực.”
Ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng nhận định theo cảm xúc của một người trông mong cuộc thay đổi, mặc dù giải pháp bạo động không phải là khuynh hướng mà ông ủng hộ:
Nghi phạm Đỗ Cường Minh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
“Những diễn biến tình hình gần đây từ tới giờ tôi vẫn có một cái niềm hy vọng mà cũng có thể là một niềm tin nữa, đó là ngay trong nội bộ của tập đoàn cầm quyền vẫn có những người muốn chuyển hóa, muốn diễn biến theo xu hướng tiến bộ cho nên tôi vẫn hy vọng có một lực lượng có một xu thế hay một người nào đó họ sẽ có những hành động, chủ trương hướng về sự tiến bộ. Trường hợp này cũng có thể là nội bộ họ xâu xé họ đấu đá với nhau mà cũng có thể nói là một trong những cái xu hướng tiến bộ có thể đang diễn ra.”
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương nhìn cuộc tàn sát này là vấn đề nội bộ trong bối cảnh mâu thuẫn quyền lực và chia chát quyền lợi. Khả năng lấy cấp dưới làm dê tế thần cũng là một điều cần chú ý:
“Cái vụ này mình chưa có thông tin đầy đủ nhưng theo cá nhân tôi thì có vấn đề. Cái anh kiểm lâm ấy anh bức xúc một vấn đề gì đấy có thể anh có những sai lầm gì đấy của hệ thống nhưng anh ta là con dê bị bắt ra để tế anh ấy uất ức thì tiêu diệt cái đám hệ thống của anh, đấy có thể là một khả năng chứ không phải tự nhiên người ta lại điên rồ gì mà lại đi giết nhau như vậy.
Đây là vấn đề mâu thuẫn quyền lực cũng như lợi ích. Đặc biệt vấn đề hiện nay là cấp trên ăn no đủ rồi bây giờ tìm một thằng để tế và như thế thì mình phải xem xét lại toàn bộ hệ thống cái nhân cách của con người trong bộ máy rõ ràng nó đang có vấn đề. Ăn chia với nhau không sòng phẳng nên diệt nhau. Khi bình thường thì dùng người ta để mà kiếm chác đến khi có nguy cơ gì đấy thì đem người ta ra để tế thì người ta sẽ không chịu.
Nó là vấn đề mâu thuẫn trong hệ thống mafia thôi người ta gọi cho nó nhẹ nhàng là nhóm lợi ích nhưng mà lợi ích này là lợi ích của mafia, lợi ích của bọn kẻ cướp với nhau.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét vụ án theo một góc khác, góc tự diễn biến nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam trước các vấn đề lợi ích cá nhân và tranh chấp ngấm ngầm giữa các phe phái:
“Có thể nói đây là lần đầu tiên nếu tính từ thời điểm từ năm 1975 tới nay. Trước đây cũng đã xảy ra vụ quan chức bắn nhau nhưng nó nằm ở cấp xã chủ yếu ở một số địa phương nhưng trường hợp đó cũng hiếm. Còn đây là lần đầu tiên xảy ra vụ quan chức bắn nhau mà thảm sát hàng loạt làm tôi nhớ có một sự thay đổi đáng kể về tính chất.
Tháng 9 năm 2013 xảy ra vụ một nông dân là Đặng Ngọc Viết đã dùng súng bắn vào quan chức tỉnh Thái Bình do bị đền bù và cưỡng chế và bây giờ sau 3 năm lại xảy ra vụ không phải dân bắn quan chức mà là quan chức bắn nhau, hơn nữa không phải quan chức cấp thấp mà là quan chức cấp cao, Bí thư tỉnh và Chủ tịch HĐND tình tức là Phó bí thư tỉnh như vậy là đụng tới Ủy viên trung ương rồi.
Tôi cho rằng nó đặc biệt quan trọng ở chỗ này: đó là không khí xung đột trong nội bộ đảng đã phát triển tới tiệm cận giới hạn bùng nổ thảm sát cá nhân, có nghĩa là căng thẳng lắm rồi. Tất cả những gì mà trước đây người ta xưng hô với nhau đồng chí này đồng chí kia tất cả những cái đó đều là sáo ngữ hết, và bây giờ không còn đồng chí nữa, thậm chí người ta sẵn sàng loại trừ thanh trừng lẫn nhau vì quyền lực, vì quyền lợi và vì những rủi ro áp đặt lẫn nhau, thành thử tôi cho rằng cái vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái nó sẽ mở ra một giai đoạn mới cho cuộc xung đột nội bộ trong đảng.”
Những viên đạn tuy nổ trong văn phòng của một cơ quan thuộc tỉnh Yên Bái nhưng tiếng vang của nó làm cả nước sửng sốt. Người dân thực sự đang theo dõi từng chút vì theo như lời thú nhận của bà Phạm Thị Thanh Trà trong cuộc họp báo: vụ án đã gây chấn động sâu xa trong nội bộ cán bộ đảng viên và người dân tỉnh Yên Bái.
Đã coi !
ReplyDelete