Sư đoàn này còn có biệt danh là “Tiếng Sét Miền Tây,” một trong những đơn vị thiện chiến của QLVNCH, hoạt động tại Khu 42 Chiến Thuật, gồm các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện, Rạch Giá, thuộc Quân Ðoàn IV, Quân Khu IV.
Lễ khai mạc kỷ niệm 55 năm thành lập Sư Ðoàn 21 Bộ Binh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Buổi họp mặt lần này do cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, tư lệnh tiên khởi của sư đoàn, chủ tọa.
Ông Trịnh Ðức Phương, điều hợp chương trình, nói, “Hàng năm, từ ngày 1 trong Tháng Sáu, đó là ngày kỷ niệm thành lập Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, chúng tôi có tổ chức một buổi họp mặt để được hân hạnh đón tiếp quý vị tướng lãnh, quan khách, và cựu quân nhân các cấp nhìn lại sau 365 ngày đã qua.”
Ông nói tiếp, “Cũng để ôn lại những thời gian qua, chúng ta đã vinh danh các vị anh hùng của sư đoàn như Tướng Lê Văn Hưng, Tướng Lê Nguyên Vỹ, Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, và anh chị em đã làm được những gì cho đất nước trong một năm qua. Chúng ta đã đi biểu tình chống Cộng và Trung Quốc xâm lược lãnh hải, đồng thời sẽ hướng về tương lai, những công việc mà chúng ta có thể làm được cho quê hương Việt Nam trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ và một nền hòa bình tự do thật sự.”
Ông Ðinh Quang Trực điều hợp nghi lễ khai mạc. Sau đó, mọi người đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam.”
Ông Lê Nguyễn Thiện Truyền, trưởng ban tổ chức, phát biểu, “Hôm nay là ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, sư đoàn này được mệnh danh là sư đoàn hết khô đến ướt, hết ướt rồi tới khô, với bao nhiêu gian nan trong những vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ và những vùng sông nước, đầm lầy của Khu 42 chiến thuật. Trước hết, chúng tôi xin nghiêng mình tưởng niệm những hương linh của trên 20 ngàn chiến binh của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh đã hy sinh trên chiến trường miền Tây. Và hôm nay, có nhiều vị niên trưởng và các anh em đồng đội của chúng tôi đang ở đây, tất cả hầu như có mang thương tích tại chiến trường.”
Ông nói tiếp, “Trong buổi tưởng niệm này, cũng để nhớ lại tình đồng đội mà từ lâu chúng tôi bị xa cách, đồng thời cũng để học hỏi ở các niên trưởng, quý bậc trưởng thượng, những phương cách đấu tranh cho nước Việt Nam được tự do dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Vì trong tình trạng đất nước của chúng ta hiện nay, tham vọng của Trung Cộng càng ngày càng hung hăng để xâm chiếm lãnh hải và lãnh thổ của chúng ta.”
Ba vị tướng tham dự lễ kỷ niệm, từ trái, Lê Văn Tư, Nguyễn Bảo Trị, và Trần Văn Nhựt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt) |
Cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị cho biết, cách nay 55 năm, cũng vào Tháng Sáu này, SÐ 21 được thành lập và chính ông được hân hạnh làm tư lệnh đầu tiên.
Sư đoàn này thoát thân từ Sư Ðoàn Khinh Chiến 11. Cái huy hiệu là dấu hiệu “Tiếng Sét Miền Tây” màu đỏ, đó là cái huy hiệu của Sư Ðoàn Khinh Chiến 11. Và sau này, khi thành lập Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, thì vẽ thêm cái mặt trời cùng với 21 ánh tỏa sáng của mặt trời để chiếu khắp miền Tây.
Tiếp theo là lời phát biểu của hai cựu thiếu tướng Trần Văn Nhật và Lê Văn Tư. Hai ông kể lại những khoảng thời gian trong quân ngũ, có những lúc các ông từng chiến đấu chung với Sư Ðoàn 21 Bộ Binh và cũng có lúc có ông từng là một chiến sĩ của sư đoàn.
Cựu Ðại Tá Phạm Hữu Sảnh, nguyên trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 33, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, chia se,: “Bất cứ cuộc họp nào, trong tâm khảm của chúng tôi cũng ước ao là có cơ hội để nói lên tấm lòng của mình, đó là long trọng tri ân tất cả những nam nữ quân nhân các cấp đã hy sinh vì màu cờ, sắc áo của đơn vị trong vai trò bảo vệ, an dân để chống lại giặc thù cộng sản.”
Kế tiếp là những lời phát biểu của quan khách đại diện cho các tôn giáo phẩm, các vị dân cử, các đoàn thể đến tham dự.
Chương trình văn nghệ do bà Ðặng Kim Trang, phó chủ tịch cộng đồng San Diego, điều hợp.
Trong 55 năm qua, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh đã đóng góp rất nhiều cho QLVNCH với những chiến công rực rỡ, cho đất nước những vị tướng lãnh, những vị sĩ quan anh hùng đã tự vẫn trong ngày cộng quân chiếm miền Nam.
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
No comments :
Post a Comment