Một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên cạnh xác của cậu bé (Aylan Shenu) trôi dạt vào bờ biển Bodrum, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 02 tháng 9 năm 2015 sau khi một chiếc tàu chở người tị nạn bị chìm khi đến gần các hòn đảo của Hy Lạp.
Gần đây, cuộc khủng hoảng người tị nạn bằng đường bộ và bằng thuyền từ Syria, Châu Phi đến Âu châu ngày càng tăng là đề tài nhức nhối của các quốc gia tại lục địa này. Người Việt tị nạn tại Âu châu nghĩ sao về làn sóng người tị nạn mới này ?
Từ nhiều năm nay, hình ảnh những người tị nạn sống vất vưỡng trong các lều trại ở Calais (thuộc miền Bắc nước Pháp) đã trở thành quen thuộc trên báo chí Pháp. Những người mạo hiểm chui qua hàng rào ở Hungary, hàng ngàn thuyền nhân Phi Châu đến Ý qua biển Địa Trung Hải trên những con thuyền cao-su nhỏ bé vẫn là những câu chuyện đi bên lề cuộc sống . Trái tim Âu châu chỉ thoáng lay động khi thi thể 71 người tị nạn được tìm thấy trong một xe tải bỏ trống trên đường cao tốc đi từ thủ đô Budapest (Hungary) đến Vienna (Áo) ngày 27/8. Nhưng phải đến ngày 3/9 khi hình ảnh chú bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, nằm úp mặt xuống cát, thi thể trôi dạt vào bờ biển Bordun tại Thổ Nhĩ Kỳ thì người dân Âu châu mới thực sự thức tỉnh, thế giới mới thực sự quan tâm đến nan đề tị nạn âm ỉ từ nhiều năm nay ở các nước Tây Âu. Anh Bùi Đình Đại, cư ngụ tại Paris cho biết cảm tưởng :
« Là một người có quá khứ tị nạn thì đây là một thông tin gây chấn động cho cá nhân em.
Thuyền nhân ngày xưa và người tị nạn hôm nay có gì giống và khác nhau ? Anh Bùi Đình Đại tiếp :
Tức nhiên là có những điểm khác nhưng nhìn chung thì nó có những điểm tương đồng, đó là sự ra đi của họ đều bắt nguồn từ sự hỗn loạn trong một chế độ độc tài, cộng thêm vấn đề của Hồi giáo cực đoan, có nghĩa là người dân Syria phải sống trên đe, dưới búa giống như tình trạng của người Việt Nam sau năm 1975. Việt Nam hoàn toàn nằm dưới chế độ Cộng sản thì đa số người Việt thời đó phải bỏ nước ra đi bằng nhiều ngả. Thì ngày hôm nay, Syria cũng vậy, họ cũng phải ra đi bằng mọi giá dù rằng cái hy vọng đặt chân đến được đất nước thứ ba rất là mong manh mà họ vẫn phải ra đi, cho nên rằng nó có cái gì đó rất gần gủi với cái quá khứ tị nạn của người Việt Nam »
Khi nhìn những xác chết trôi vào bờ biển tôi cảm thấy cũng xót xa vì bất cứ người nào, dù bất cứ lý do nào mà họ phải tìm được tị nạn khỏi quốc gia của mình sang một quốc gia khác là vì họ muốn trốn chạy một sự tàn ác hoặc bất công. Cái giá mà họ phải trả lại sinh mạng của họ, gia đình của họ. Tôi thấy thật là xót xaNhà báo Nguyễn văn Huy
Thật vậy, đối với những thuyền nhân tị nạn Việt Nam thì hình ảnh những con người xác xơ trên những con thuyền mong manh, mắt tuyệt vọng hướng về đại dương mênh mông, hoặc những người mẹ tay bồng tay bế vượt rừng núi tìm tự do gợi lại hình ảnh của họ 40 năm về trước. Nhà báo Nguyễn văn Huy, một thuyền nhân của 33 năm về trước cho biết cảm tưởng :
« Khi nhìn những xác chết trôi vào bờ biển tôi cảm thấy cũng xót xa vì bất cứ người nào, dù bất cứ lý do nào mà họ phải tìm được tị nạn khỏi quốc gia của mình sang một quốc gia khác là vì họ muốn trốn chạy một sự tàn ác hoặc bất công. Cái giá mà họ phải trả lại sinh mạng của họ, gia đình của họ. Tôi thấy thật là xót xa »
Ngày xưa, thuyền nhân Việt Nam được nhiệt tình đón nhận lúc nền kinh tế Âu châu đang thời kỳ sung mãn và theo nhà báo Nguyễn văn Huy, sự đón tiếp nồng ấm đó còn là một lời xin lỗi cho những sai lầm trong chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, Âu Châu đang đứng trước sự chọn lựa khó khăn giữa một nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp gia tăng và lòng nhân đạo. Từ ngoại ô Paris, nhà báo Nguyễn văn Huy phân tích :
« Những thuyền nhân Việt Nam những năm 1970 -1980 quả là có may mắn, tức là họ được các quốc gia Châu Âu giang tay tiếp dón, đem từ các trại tị nạn sang Châu Âu, cho họ có một cuộc sống ổn định. Thảm cảnh thuyền nhân thập niên 70-80 gây xúc động cho lương tâm thế giới. Những người đi những chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển cả, rất nhiều người đã bị chết. Những người này đã liều chết để tìm tự do. Đây là một giá trị mà họ phải tôn vinh. Hơn nữa, họ thấy rằng trước kia họ đã góp phần nào ủng hộ chế độ miền Bắc thôn tính miền Nam, nay thấy hậu quả của sự thôn tính đó nên họ giang tay đón tiếp những người miền Nam bỏ nước chạy đi trên biển cả. Xã hội Châu Âu ngày nay nhìn những người tị nạn này dưới một con mắt khác, họ thấy rằng đây là một vấn đề lương tâm. Nhưng mà khi chấp nhận các thành phần này vào xã hội của họ thì sẽ gây ra một số vấn đề đối với người dân trong nước. Có một số quốc gia tiếp cận với những vùng đất nhập cư như Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha, họ không đủ khả năng tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp này. Trong khi những quốc gia phát triển ở phía Bắc của Âu Châu thì họ nhận những người này gây ra một sự ùn đẩy khối người này. Mới đây Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu cũng đã ra quyết định mỗi quốc gia phải tiếp một số người cố định. Đây cũng là một vấn đề chưa được thống nhất »
Thế giới không thể làm ngơ trước hình ảnh chú bé Syria 3 tuổi nằm úp mặt xuống bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Hội Đồng Liên Âu vội vã đưa ra các hạn ngạch trong đó cứ 1000 cư dân Âu châu sẽ nhận từ 2-4 người tị nạn. Dự kiến : Tây Ban Nha sẽ nhận 14931 người tị nạn, Ba Lan 9287, Cộng Hoà Sec : 2978, Hà Lan : 7214, Bỉ 4564 , Thụy Điển : 4469, Roumania 4646…. Tổng thống Pháp Francois Holland tuyên bố Pháp sẽ nhận 24.000 người tị nạn trong vòng 2 năm. Đức, quốc gia hào phóng nhất tuyên bố sẽ nhận 800.000 người tị nạn. Anh Hà Nguyễn Quốc Hùng, sống tại thành phố ( Mainz (Mayence), thủ phủ bang Rheinland-Pfalz của Đức cho biết cảm tưởng :
Với tư cách một người gốc VN đã từng đến đây- chúng tôi thuộc về thế hệ thứ nhất di dân sang đây thì chúng tôi cũng cảm thấy mình có một trách nhiệm tinh thần trong việc ủng hộ nước Đức để trả lại nước Đức món nợ ân tình mà nước Đức đã mở rộng vòng tay đối với cộng đồng người VN ở đâyAnh Hà Nguyễn Quốc Hùng
« Là một công dân Đức thì chúng tôi, dĩ nhiên về mặt tình thì chúng tôi cũng có những sự băn khoăn về khả năng về tài chính, kinh tế của quốc gia mình nn mà về mắt lý thì, thứ nhất, chúng tôi minh định được rằng là một công dân Đức chúng tôi rất ủng hộ chính sách này của chính phủ Đức và cũng như là với tư cách một người gốc Việt Nam đã từng đến đây- chúng tôi thuộc về thế hệ thứ nhất di dân sang đây thì chúng tôi cũng cảm thấy mình có một trách nhiệm tinh thần trong việc ủng hộ nước Đức để trả lại nước Đức món nợ ân tình mà nước Đức đã mở rộng vòng tay đối với cộng đồng người Việt Nam ở đây, dù rằng món nợ ân tình này nhiều lắm cũng chỉ là một ít sự ủng hộ vật chất, còn không nó cũng chỉ nằm ở dưới dạng tinh thần nhưng nó cũng là món nợ ân tình mà cộng đồng người Việt Nam nói chung trong đó có cá nhân chúng tôi cũng cảm thấy đây là một trách nhiệm của mình. »
Chị Mai, một công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức, nay sống tại Franfurt cũng rất hài lòng về quyết định này của Thủ Tướng Merkel :
« Tôi rất là hài lòng ! Trước làn sóng của người Syria này thì tôi cũng rất rất là thương cảm họ và cũng muốn giúp được gì cho người ta thì cũng tốt bởi vì cũng giống như hoàn cảnh người Việt Nam mình trước đây khi mà những thuyền nhân hoặc là những người mà sau khi bức tường (Bá Linh) đổ thì người Việt của mình sang bên Tây này cũng đông, thì chắc là hoàn cảnh của họ cũng giống như hoàn cảnh của đồng hương của mình cách đây hơn 20 năm về trước »
Cuối tuần vừa qua, hơn 20.000 người, phần lớn là người Syria đã đến Đức. Chuyến tàu hoả đầu tiên từ Áo đến Munchen được cư dân thành phố này chào đón nồng ấm . Người ta nhìn thấy những gương mặt bơ phờ nhưng rạng rỡ. Nhiều người vẫn còn cầm chặc trong tay tấm hình nhầu nát của bà Thủ tướng Angela Merkel. Anh Hà Nguyễn Quốc Hùng cho biết tiếp :
« Nhìn chung thì tuyệt đại đa số họ rất là ủng hộ quyết định này và họ cũng đã mở rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn này. Có hàng trăm người Đức họ ra các bến xe, bến tàu, họ căng biểu ngữ họ tự viết lên những tấm carton hay những tấm giấy khổ lớn những lời chào mừng « welcome to Germany »..v.v… và họ mang đến rất là nhiều hoa, rất là nhiều bánh kẹo cho trẻ em, và theo như tôi được biết thì ở Messehallen, tức là khu triển lảm cura Hamburg họ đã dựng hẳng một gian rất lớn để chứa những đóng góp bằng hiện vật của dân Đức và cứ vài phút đồng hồ là lại có những chuyến xe chở ùn ùn đến đó nào là quần áo cũ, nào là những món đồ chơi…. Tất nhiên chính phủ Đức đã có kế hoạch để tiếp nhận làn sóng rất là lớn những người tị nạn này nhưng mà người dân họ cũng tự phát bằng tất cả những cảm tình của họ. Nó làm cho chúng tôi rất là ấm lòng bởi vì mặc dù chúng tôi không thuộc về thế hệ thuyền nhân đầu tiên đến Đức nhưng chúng tôi cũng được nghe kể lại thì cái tình cảm mà người dân Đức đã dành cho thuyền nhân tị nạn Cộng sản Việt Nam từ 40 năm trước hình như ngày hôm nay, một lần nữa, họ được thể hiện với những người tị nạn ngày hôm nay tạo cho mình một cảm giác rất là ấm lòng, rất là tự hào khi mình được làm một thành phần trong một xã hội rất là nhân bản như vậy »
Ngày nay người ta cứ đòi hỏi Châu Âu giúp những người tị nạn này mà không ai đòi hỏi Mỹ, Úc, Nhật hoặc Canada hay các quốc gia khác tiếp đón người tị nạn. Tôi thấy rằng vai trò là sẽ phải đánh động lương tâm của thế giới, chia sẻ gánh nặng này cho các quốc gia khác trên thế giới chứ không riêng tại Châu Âunhà báo Nguyễn văn Huy
Hơn 60.000 người nhập cư cập bến các bờ biển Ý trong năm qua. Từ đầu năm đến nay khoảng 2300 người bị vùi thây trong lòng biển Địa Trung Hải. Giữa những thi thể trôi dạt vào bờ, người ta tìm thấy một lá thư não lòng : « Mẹ yêu quý, con xin lỗi vì chiếc thuyền đã chìm và con không thể tới châu Âu được nữa. Con xin lỗi vì không thể gửi trả lại khoản tiền mà mẹ đã vay để đưa con lên thuyền. Đừng buồn mẹ nhé nếu họ nói không thể tìm thấy thi thể của con giữa đại dương rộng lớn, một chiếc quan tài không thể mang con trở về với mẹ, nó chỉ mang lại cho mẹ thêm nợ nần, các khoản chi phí tang lễ, chôn cất và vận chuyển mà thôi. Con xin lỗi mẹ ơi, vì chiến tranh đã xảy ra và con xin lỗi vì con phải đi như bao đứa trẻ ấp ủ những giấc mơ khác. Dù ước mong của con không lớn lao, con chỉ ước có đủ tiền để mua một lọ thuốc chữa bệnh cho mẹ và một ít tiền để giúp mẹ chữa răng.Mà mẹ à, răng của con giờ đã chuyển sang màu xanh rồi vì tảo biển đã bám đầy trên đó.
Cám ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa… Cảm ơn loài cá sẽ ăn thịt cơ thể tôi mà không cần hỏi tôn giáo của tôi là gì, hay vị thế chính trị của tôi ra sao… »
Mặc dù vậy, 40 % người Ý đã phản đối Roma cứu vớt thuyền nhân trên Địa Trung Hải. Pháp, một xứ sở đã có quá nhiều di dân, đang đối phó với nền kinh tế suy thoái và vấn nạn xã hội gia tăng, 55% người Pháp đã phản đối chính sách nhập cư. Trước tình trạng đó, giải pháp được đa số ủng hộ là dùng không quân oanh kích tổ chức thánh chiến Hồi Giáo tại Syria. Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn văn Huy còn đề nghị một cách giải quyết khác :
« Ngày nay người ta cứ đòi hỏi Châu Âu giúp những người tị nạn này mà không ai đòi hỏi Mỹ, Úc, Nhật hoặc Canada hay các quốc gia khác tiếp đón người tị nạn. Tôi thấy rằng vai trò là sẽ phải đánh động lương tâm của thế giới, chia sẻ gánh nặng này cho các quốc gia khác trên thế giới chứ không riêng tại Châu Âu »
Phía sau mỗi người tị nạn là một câu chuyện đắng lòng. Trong khi các quốc gia còn đùn đẩy nhau trên hồ sơ tị nạn thì cứ mỗi phút lại có hàng ngàn người trốn chạy độc tài, áp bức đang vượt qua biên giới trong vô vọng.
Vấn đề di cư này hoàn toàn không thể so sánh với vấn đề người dân Miền Nam Việt Nam rời khỏi đất nước sau năm 1975. Từ mấy năm trước, hàng loạt quốc gia Trung đông và Bắc phi đối mặt với tình trạng bạo động và phong trào chống chính phủ diễn ra trên quy mô lớn và nó được gọi bằng cái tên mỹ miều "mùa xuân Ả rập - Arab spring" , vấn đề nhân quyền không được đảm bảo ,thay vào đó là những bất công, bạo loạn khiến họ không thể sống yên ổn, buộc phải tìm vùng đất mới. Còn cái gọi là thuyền nhân VIệt Nam thật ra là những kẻ không còn mặt mũi nào để sống trên quê hương của mình nữa.
ReplyDelete