Một toán Người Nhái VNCH trong khóa huấn luyện tại Nha Trang
Nói về các hoạt động và chiến tích của lực lượng Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đây là đơn vị đặc nhiệm thực hiện các cuộc đột kích, xâm nhập vào Bắc Việt bằng các cuộc đổ bộ bằng đường thủy. Ngoài đơn vị này, Quân Lực VNCH còn có lực lượng Người Nhái thuộc quân chủng Hải Quân (HQ) đảm nhiệm các công tác vô cùng nguy hiểm qua các hoạt động trong lòng địch như phá hoại chiến hạm Bắc Việt, xâm nhập các mật khu Cộng quân, vô hiệu hóa hoạt động đặc công thủy của đối phương, bảo vệ sự an toàn cho các tàu bè của VNCH và lực lượng đồng minh.
Sau đây là tiến trình hoạt động và chiến sử của lực lượng Người Nhái Hải Quân VNCH, được biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân sử Phòng 5/Bộ Tổng tham Mưu Quân Lực VNCH, chiến sử của Hải Quân VNCH và bài viết của cựu Người Nhái Lê Quán (anh là người tham dự khóa huấn luyện khóa Người Nhái đầu tiên ở Đài Loan) được phổ biến trong tạp chí KBC.
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH CỦA ĐƠN VỊ NGƯỜI NHÁI
Vào tháng 7/1960, Việt Nam Cộng Hòa gửi một toán 16 quân nhân gồm 2 sĩ quan, 14 hạ sĩ quan và đoàn viên sang Đài Loan tham dự khóa huấn luyện Người Nhái, trong số đó có 8 người thuộc quân chủng Hải Quân, 5 người thuộc lực lượng Bảo An (Địa Phương Quân), 3 người thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Sau 5 tháng huấn luyện, có 14 người trúng tuyển kỳ thi mãn khóa, 2 người rớt vì yếu thể lực. Hai tháng sau khi toán Người Nhái mãn khóa ở Đài Loan về, Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH tổ chức một cuộc thao diễn ở Vũng Tàu để Tổng Thống Ngô Đình Diệm duyệt khán. Báo chí lúc đó đã loan tin, tường thuật đầy đủ về cuộc biểu diễn nàỵ
Vào thời gian này, mặc dù Hải Quân Hoa Kỳ chưa chấp thuận huấn luyện Người Nhái cho Hải Quân VNCH, nhưng sau khi biết được có một số quân nhân VNCH đã được huấn luyện tại Đài Loan thì họ khai thác ngay. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ đã gửi chuyên viên và dụng cụ Người Nhái từ Hoa Kỳ sang để huấn luyện bổ túc cho 8 quân hân Người Nhái của Hải Quân VNCH và 3 Người Nhái của Lực Lượng Đặc Biệt VNCH trong thời gian hai tháng tại Nha Trang. Mục đích của cuộc huấn luyện này là đào tạo các cảm tử quân Người Nhái về cách thức đột kích phá hoại các chiến hạm của Bắc Việt tại miền Bắc.
CHUYẾN ĐỘT KÍCH PHÁ TÀU BẮC VIỆT Ở HÒN CỌP
Chuyến công tác đầu tiên là toán Người Nhái bí mật đột kích phá hoại tàu của quân Bắc Việt ở Hòn Cọp. Toán được chia làm 2 tổ, mỗi tổ hai người. Tổ thứ nhất có 2 cảm tử quân thuộc quân chủng Hải Quân là hai chiến binh Lê Văn Kinh và Nguyễn Hữu Thảo, tổ thứ 2 là hai chiến binh Nguyễn Văn Tâm và Lê Văn Chuyên. Cả hai tổ xuất phát từ Đà Nẵng bằng ghe của Hải Thuyền trong một đêm trời tối. Ghe chở toán cảm tử quân vượt qua Bến Hải tiến tới Hòn Cọp với dụng cụ lặn và mìn từ tính nổ chậm.
Trong khi đặt mìn vào tàu của Bắc Việt, không hiểu vì lý do gì mìn nổ quá sớm trong khi các Người Nhái đang trên đường lội ra khơi để rút lui. Vì thế mà cả toán bị địch phát giác. Anh Lê Văn Kinh bị bắt, 3 cảm tử quân còn lại kiên quyết không đầu hàng và bắn vào quân Bắc Việt sau đó đã bị hạ sát tại trận. Anh Lê Văn Kinh bị tòa án Cộng Sản xử khổ sai chung thân. (Theo tài liệu của ông Lê Quán, anh Lê Văn Kinh được Cộng Sản thả vào năm 1980 và trở về miền Nam với một chân bị tàn tật vì bị tra tấn bằng điện).
Năm 1961, đội Người Nhái của Hải Quân VNCH với sự hợp tác của đơn vị Người Nhái Hải Quân Hoa Kỳ đã tổ chức một khóa huấn luyện Biệt hải tại Đà Nẵng với 35 khóa sinh. Từ năm 1965 đến 1968, Hải Quân VNCH đã tổ chức 3 khóa huấn luyện Người Nhái tại Nha Trang: khóa 1 có 41 khóa sinh, tất cả đều tốt nghiệp, khóa 2 có 48 khóa sinh tốt nghiệp, khóa 3 có 45 người tốt nghiệp. Sau đó, các khóa 4, 5 và 6 được tổ chức tại Cam Ranh với tổng số khóa sinh thụ huấn khoảng 150 người
Năm 1968, Hoa Kỳ đã yểm trợ cho Hải Quân VNCH trong kế hoạch gửi sĩ quan và nhân viên đến Hoa Kỳ và Phi Luật Tân để theo học các khóa như Trục Vớt (salvage) chuyên vớt các tàu chìm, khóa Tháo Gỡ Chất Nổ (Explosive Ordenance Disposal, gọi tắt là EOD) chuyên tháo gỡ chất nổ và bảo vệ các chiến hạm đậu và neo trong các sông rạch ở ngoài khơi, chống đặc công thủy của Cộng quân đặt mìn phá hoại, khóa Underwater Demolition Team (UDT) chuyên phá hủy các chương ngại vật tại các bờ biển và hải cảng cũng như đặt mìn phá tàu địch quân.
Năm 1970, lực lượng Người Nhái gia tăng quân số nhưng thiếu hụt sĩ quan nên Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH chấp thuận cho ban chỉ huy lực lượng Người Nhái đến Trường Bộ Binh Thủ Đức để tuyển mộ sĩ quan, có 20 người được chọn, tất cả được gửi đến Trường Sinh Ngữ Quân Đội để học tiếng Anh và sau đó được Hải Quân Hoa Kỳ gửi sang Mỹ thụ huấn khóa đặc biệt Người Nhái. Trong số 20 sĩ quan theo học, có 11 tốt nghiệp và sau khi trở về Việt Nam chiến đấu một thời gian, hơn một nửa đã tử trận.
LIÊN ĐOÀN NGƯỜI NHÁI TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1970-75Cũng trong năm 1970, Liên Đội Người Nhái được đổi thành Liên Đoàn Người Nhái với 3 đơn vị cơ hữu: đơn vị Hải Kích, đơn vị Tháo Gỡ Chất Nổ, đơn vị Trục Vớt, mỗi đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện các công tác theo ngành chuyên môn riêng biệt.
Đơn vị Hải Kích chuyên về đột kích bất thần vào các sào huyệt của địch quân. Các cảm tử quân Hải Kích đã tấn công chớp nhoáng vào các mật khu của địch, nhất là trong lúc có các buổi họp mặt của các cán bộ cao cấp của Cộng quân. Ngoài ra, trong nhiều chuyến công tác, các toán Hải kích tấn công vào trại giam của Cộng quân để giải thoát tù binh. Trong khi hoạt động trong lòng địch, các cảm tử quân Hải Kích đều ngụy trang với quần áo bà ba đen, đội nón cối, đi dép Bình Trị Thiên, trang bị súng AK-47 y hệt như cán binh Việt Cộng. Nhiều lần, họ đã len lỏi vào hàng ngũ địch mà đối phương không biết. Và cũng đã nhiều lần, các toán Hải Kích đã bí mật đột kích lãnh thổ miền Bắc bằng xuồng cao su và bơi từ ngoài khơi vào bờ.
Sơn-trà, Dà-nẵng Nơi bí-mật huấn-luyện người nhái biệt-kích |
Từ năm 1968 cho tới khi cuộc chiến kết thúc, Bắc Việt tăng cường phá hoại bằng cách thả đặc công thủy lặn dưới nước đột kích phá hoại các tàu bè VNCH và Đồng Minh neo và đậu tại các bến. Để chận đứng các hoạt động đặc công thủy của Cộng quân, đơn vị Tháo Gỡ Chất Nổ đã hoạt động rất hữu hiệu trong nỗ lực chống lại Người Nhái của đối phương. Các toán của đơn vị này đã bắt sống và tiêu diệt nhiều Đặc Công Thủy Việt Cộng và tháo gỡ nhiều quả mìn nổ chậm do các toán đặc công thủy của Cộng quân đặt vào tàu bè VNCH và đồng minh.
CHẶNG ĐƯỜNG CHIẾN BINH CỦA NGƯỜI NHÁI
Để trở thành một Người Nhái, chiến binh phải có sức khỏe thật tốt để chịu đựng suốt 18 tuần lễ huấn luyện về cơ thể và tinh thần, phải lội được ít nhất phải 2 hải lý (mỗi hải lý gồm 1,852 mét). Những môn huấn luyện chính thức gồm có bơi lội, thể dục, chạy bộ, cận chiến, nhảy dù, đặt chất nổ, thám sát bờ biển và phá hủy chướng ngại vật, đột kích, chèo thuyền cao su, và lặn sâu 130 bộ Anh. Trong 18 tuần lễ huấn luyện đặc biệt có một tuần lễ mệnh danh là tuần lễ địa ngục, tuần lễ này là tuần lễ thứ ba và bắt đầu từ 8 giờ sáng thứ Hai và chấm dứt vào 4 giờ chiều thứ Sáu.
1956 - KHOÁ 7 RA KHƠI VƯỢT TRÙNG DƯƠNG TỚI BỜ CÁT TRẮNG
Hoa Thịnh Đốn - Muà Anh-Đào năm 1964 - Nguyễn vănQuang.
KHOÁ 7 HẢI QUÂN VNCH - ĐỆ NHẤT THIÊN XỨNG - Nguyễn Văn Quang
Liên Đoàn Người Nhái - HQ Tr/ Tá Trịnh Hòa Hiệp - K7.
Suốt cả tuần lễ khóa sinh được ăn nhưng không được ngủ. Suốt ngày bị bắt buộc chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền. Huấn luyện viên "quấy rầy và hành hạ" thân thể khóa sinh tới mức tối đa. Suốt cả tuần lễ mặc dầu các khóa sinh được cho ăn nhưng không ai ăn uống gì được cả vì quá mệt mỏi, mỗi bữa ăn chỉ ăn được vài miếng mà thôi, phần nhiều khóa sinh chỉ lấy múi cam hay chanh để bỏ vào miệng ngậm cho đỡ khát rồi mau rời bàn ăn để tìm chỗ ngả lưng một lúc. Nhưng khi vừa nằm xuống chưa đầy một phút thì nghe tiếng còi ré lên và phải chạy ngay đến chỗ tập họp, nếu đến trễ phải bị phạt ít nhất là 50 cái hít đất. Nội trong tuần lễ này có từ 50 đến 60% khóa sinh bị loại vì không chịu nổi.
Trong suốt cuộc chiến, số thương vong, tử trận của Liên Đoàn Người Nhái lúc nào cũng cao so với số khóa sinh tốt nghiệp. Do đó, không thể có đủ số khóa sinh để cung cấp, bổ sung cho các đơn vị đang thiếu hụt quân số. Việc đào tạo Người Nhái càng ngày càng khó khăn vì sự nguy hiểm của công tác và sự đòi hỏi quá nhiều yếu tố trong huấn luyện. Do đó, trong các khóa huấn luyện sau này, số người tình nguyện ít hơn so với các khóa đầu. Từ khi thành lập cho đến khi cuộc chiến kết thúc, có đến 60% Người Nhái hy sinh, trong số những người còn sống, có 1/3được di tản sang Hoa Kỳ.
No comments :
Post a Comment