Vàng thỏi, ảnh minh họa. |
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Trước và sau ngày 30/4/1975 báo chí phương tây cũng như trong nước đưa nhiều tin bài với nghi vấn nhà lãnh đạo VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tẩu tán số vàng dự trữ 16 tấn của Nam Việt Nam. Phải mấy chục năm sau Lịch sử mới được làm sáng tỏ.
Nam Nguyên phỏng vấn ông Huỳnh Bửu Sơn, người đã quản lý và chuyển giao số tài sản quốc gia đó cho chế độ mới. Trong biến cố lịch sử tháng 4/1975, ông Huỳnh Bửu sơn mới 29 tuổi tốt nghiệp Cao học Kinh tế Đại học Luật khoa Saigon. Ông Sơn thuộc nhóm lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và là người giữ chìa khóa hầm vàng. Từ Saigon trước hết ông Huỳnh Bửu Sơn phát biểu:
Ông cũng biết, số lượng vàng có trong hầm như thế nào, thì khi được tiếp quản và chuyển giao cho Ủy ban Quân quản của Ngân hàng Nhà nước lúc đó được giao toàn vẹn không thiếu một nút vàng nào cả. Chúng tôi thường gọi là nút vàng vì ngoài những thoi vàng tính cách ra, còn có những đồng tiền cổ, những đồng tiền vàng Napoleon nhưng mà buôn lậu sang Việt Nam bị bắt dưới hình thức những cái nút cài áo. Cho nên là khi được giao lại cho Ủy ban Quân quản thì toàn bộ vàng trong hầm bạc bao gồm cả những đồng tiền cổ đó được giao đầy đủ hết.
Số lượng vàng có trong hầm như thế nào, thì khi được tiếp quản và chuyển giao cho Ủy ban Quân quản của Ngân hàng Nhà nước lúc đó được giao toàn vẹn không thiếu một nút vàng nào cả.
- Ông Huỳnh Bửu Sơn
Nam Nguyên: Thưa sau này ông có được nghe nói là chính phủ mới đã sử dụng lượng vàng đó như thế nào hay không? Bởi vì 16 tấn vàng vào thời ký đó rất là lớn có thể giúp phát triển kinh tế, hay chính phủ lại dung để trả nợ các nước bạn có quân viện giúp cho việc thống nhất đất nước.
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Thật ra lúc đó có rất nhiều tin đồn về việc sử dụng số vàng đó. Nhưng tôi không ở trong một vị trí mà biết được những thông tin như vậy và xin được phép không dám nói về những lời đồn xung quanh chuyện sử dụng số vàng đó. Tôi nghĩ là Chính phủ Việt Nam thì cũng sử dụng số vàng đó cho những mục tiêu rất thiết yếu về kinh tế hay cho mục tiêu nào khác của chính phủ.
Nam Nguyên: Thưa ông là người quản lý cuối cùng và chuyển giao qua chính phủ mới. Lúc đó ở Việt Nam có tin đồn là Tổng thống Thiệu đã mang số vàng đó đi, thời gian đó ông có nghe tin này hay không ?
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Có tôi cũng có nghe chuyện đó, chính BBC trong thời gian đó cũng có một loạt bài về chuyện này, cũng có nói tôi đã minh oan cho ông Thiệu (cười). Thật ra có thể ông Thiệu lúc đi có mang theo một số vàng của riêng ông ấy thôi, còn số vàng của quốc gia thì vẫn còn tại hầm vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Nam Nguyên: Thưa quản lý vàng của chế độ cũ trong Ngân hàng Quốc gia có chặt chẽ và khoa học hay không?
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Mình không dám dùng những tĩnh từ để nói rằng chặt chẽ hay khoa học, nhưng riêng việc cuối cùng toàn bộ những thoi vàng đó được giữ rất là chu đáo, đầy đủ và không thiếu như tôi nói là một cái nút vàng, theo đúng như sổ sách và được giao lại cho chính phủ mới. Điều đó cũng cho thấy cách quản lý của Ngân hàng Quốc gia, không riêng gì vàng mà đối với các tài sản khác đều có kỷ luật rất tốt.
Nam Nguyên: Thưa ông có thể mô tả chút ít về cách quản lý khoa học như thế?
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Tôi nghĩ nếu mà so với kỹ thuật quản lý hiện nay của những Ngân hàng Trung ương trên thế giới thì nó cũng không phải là có cái gì đặc sắc lắm. Tuy nhiên vàng được cất giữ trong những hầm trong đó có thể vừa chứa vàng vừa chứa tiền chưa được phát hành và có thể nói là được quản lý, kiểm kê khá là thường xuyên. Chắc chắc mỗi năm đều có việc kiểm kê đó và tất nhiên việc ra vào hầm bạc cũng rất nghiêm ngặt, chỉ những người có trách nhiệm thôi.
Việc giữ chìa khóa hầm bạc không phải chỉ một người mà giữ được. Tức là có hai bộ chìa khóa, một bộ thuộc về bên kiểm soát, một bộ thuộc về bên điều hành; phải có hai bộ chìa khóa đó và thêm một người giữ mật mã của cửa ra vào hầm vàng hầm bạc đó thì mới có thể mở cửa được. Như ông biết các cửa hầm vàng của Ngân hàng Trung ước các nước là rất kiên cố có độ dày lên tới 8 tấc hay một thước, phải nói là rất kiên cố chưa kể việc giữ an ninh bên ngoài rất là chặt chẽ. Tôi nghĩ đây là việc bình thường của bất cứ Ngân hàng Trung ương nào có kho trữ vàng trữ tiền.
Thật ra có thể ông Thiệu lúc đi có mang theo một số vàng của riêng ông ấy thôi, còn số vàng của quốc gia thì vẫn còn tại hầm vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
- Ông Huỳnh Bửu Sơn
Nam Nguyên: Thưa hồi đó chưa có kỹ thuật điện toán (computer) thì sổ sách kế toán ghi chép có chặt chẽ và bảo đảm hay không?
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Thật ra lúc đó cũng đã có điện toán rồi, tất nhiên không mạnh và nhanh như hiện nay. Nhưng đã có sử dụng điện toán để theo dõi tài sản đó và ghi rõ trên các bảng kê, chúng tôi gọi là listing. Những bảng kê đó được đối chiếu nhiều lần mỗi khi có trường hợp đột xuất về vàng. Vì thật ra hồi xưa Ngân hàng Quốc gia cũng có sử dụng số vàng trong kho bán ra để bình ổn thị trường vàng vào lúc đó.
Nam Nguyên: Thưa trong những ngày cuối cùng cho đến 30/4/1975 ông có thấy chính quyền cũ có nỗ lực nào để chuyển số vàng đó đi hay không. Dẫn tới tin đồn là đã chuyển ra ngoại quốc.
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Thật sự là có và cũng đã dự kiến là chuyển sang gởi ở tại Mỹ, tôi nhớ không lầm là gởi tại một ngân hàng ở Mỹ và đã có sự chuẩn bị đó rồi. Chính vì sự chuẩn bị đó cho nên một hãng bảo hiểm ở Bỉ là nơi được hợp đồng bảo hiểm số vàng chuyển đi đã tiết lộ ra. Nhưng cuối cùng của chính phủ quyết định giữ lại số vàng đó cho nên nó không được chuyển đi.
Nam Nguyên: Đối với tư cách công dân Việt Nam một người chịu trách nhiệm quản lý, nói chung là của đất nước và ông đã chuyển giao không suy suyển thì ông có cảm nhận gì vào ngày hôm đó?
Ông Huỳnh Bửu Sơn: Lúc đó từ việc kiểm kê số vàng đó và giao lại cho Ủy ban Quân quản thì tôi nghĩ tôi cũng chỉ hành động như một nhân viên bình thương của Ngân hàng Quốc gia mà thôi. Tức là làm cho tròn trách nhiệm mình được giao phó, chứ lúc đó tôi cũng không nghĩ ngợi gì cả…mà cũng khá lo vì nếu lỡ mà thiếu một cái gì thì có khi chính mình phải chịu trách nhiệm oan đấy (cười) mà may quá đã không thiếu gì cả.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Huỳnh Bửu Sơn đã trả lời RFA.
No comments :
Post a Comment