Hình chụp từ video clip được cho là chế diễu kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016 của nhóm học sinh Huế. |
Chân Như, phóng viên RFA
Vào ngày 5 tháng 7 năm 2016, Giám đốc sở Giáo Dục và Đào Tạo Thừa Thiên - Huế cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị vào cuộc làm rõ việc một nhóm học sinh quay, dựng và phát tán clip được cho là chế diễu kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016. Những bạn trẻ đang sinh sống tại Việt Nam nghĩ gì về vấn đề này?
Video clip về kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia: Đúng hay sai?
Chân Như: Các bạn nhìn nhận thế nào về clip của nhóm bạn trẻ tại Huế làm về kỳ thi Trung học Phổ thông (THPT) quốc gia? Phản ứng của ông giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo có quá mức cần thiết hay không?
Hoàng Nam: Thật sự các bạn trẻ đó khi tạo clip đó thì cũng có phần sai, sai chỗ trong clip các bạn sử dụng ngôn từ hơi phản cảm. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ là những tư tưởng hay mặt tâm lý chung của học trò, cũng chẳng có gì để đáng trách. Còn phản ứng của ông giám đốc sở có vẻ là hơi quá. Có thể nói ông ta làm một điều gọi là “làm nổi”, “làm quá” đối với tuổi học trò chứ thật sự clip đó không mang “động cơ” gì quá để ảnh hưởng đến Bộ Giáo dục đâu.
Các bạn ấy đang bị công an khép vào tội vu khống cho Bộ Giáo dục và làm ảnh hưởng uy tín của Bộ Giáo dục.- Hoàng Nam
Mai Kha: Kha cũng có coi và clip đó lấy theo ý tưởng từ một clip hài năm 2015. Đúng là chỉ vui thôi, nhưng có lẽ cũng sẽ làm phật ý một số người nào đó gọi là những bác trung niên nghiêm túc. Ông giám đốc sở giáo dục, đúng là có phần hơi quá. Nói chung, các bạn trẻ bây giờ cũng không nghĩ video clip này là quan trọng, vì nếu nghĩ là quan trọng thì các bạn ấy đã không làm; chỉ tại mấy bác nâng tầm quan trọng của một clip hài lên cho là phỉ báng kỳ thi quốc gia thôi. Nói chung, Kha nghĩ nó không làm tổn hại gì đến cuộc sống của người dân hay ảnh hưởng gì đến quốc thể.
Gia Bảo: Em nghĩ đây cũng chỉ là một trò đùa vui của một nhóm học sinh, ví dụ ngày xưa khi chúng ta đi học chúng ta cũng có những câu nói vui lúc làm kiểm tra không tốt hoặc lúc không thuộc bài, và thường bông đùa với nhau bằng những câu như thế. Có chăng trong thời buổi công nghệ hiện đại, thì mạng xã hội phát triển, những câu nói đó được nhiều người biết đến và chia sẻ rộng rãi hơn, thành ra tạo nên những đợt sóng dư luận, có người đồng tình cũng có người không. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những câu nói vui mà học sinh ai cũng đã biết rồi.
Khi xem clip này em chỉ thấy buồn cười theo kiểu những clip tấu hài nhưng mỗi lứa tuổi có suy nghĩ khác nhau. Với tuổi trẻ, không ít những người thích clip đó, em cũng là người thích những clip như vậy, nhưng ở những lứa tuổi trung niên hoặc người lớn hơn thì người ta lại có những suy nghĩ khác. Và đó là suy nghĩ của mỗi người thôi.
Chân Như: Mới đây, nhóm bạn trẻ làm clip tại Huế đã có đoạn video ngắn nhằm xin lỗi về sự việc này. Câu hỏi đặt ra là các bạn ấy có lỗi hay không? Nếu có thì là lỗi gì?
Mai Kha: Ngay từ đầu Kha đã cho những bạn này không có lỗi, thậm chí, các bạn đó cũng chỉ cho là không có gì quan trọng, chứ nếu như các bạn nghĩ đó là chuyện có lỗi hoặc quan trọng thì các bạn không dại dột để làm, để phải như thế này. Nếu cho các bạn ấy có lỗi thì theo mình chắc có lẽ lỗi vì làm nhột một số người, tại vì họ hay quan trọng hóa vấn đề nhìn theo hướng hài hước thì đâu có là gì đâu.
Hoàng Nam: Thật sự, mấy bạn chế biên lại clip 2015, nhưng trong đây các bạn một phần có lỗi là có những chi tiết các bạn nói quá về vấn đề kỳ thi đại học quốc gia. Thật sự trong một kỳ thi đại học quốc gia cũng sẽ có những phần này phần kia, nhưng có nhiều trường hợp các bạn đặt ra vấn đề là các bạn 10 điểm trên tay hay 1 điểm trên giấy. Đó là tâm lý của một bộ phận cá thể không chịu học chứ không phải là tâm lý chung hay bộ ra đề quá khó.
Còn các bạn ấy xin lỗi là tại vì thứ nhất các bạn ấy sợ vấn đề điều tra của chính quyền. Mặt khác nữa các bạn cũng ý thức được rằng mình làm clip này cũng hơi quá, chứ nếu nói sai thì không sai nhưng hơi quá đối với sự thật trong kỳ thi.
Gia Bảo: Các bạn này không có lỗi gì cả. Suy cho cùng các em không làm ảnh hưởng đến ai, không lộ bí mật nhà nước cũng không làm ảnh hưởng đến bất kỳ người nào. Tuy nhiên, sở giáo dục mời công an vào cuộc điều tra thì em thấy giống như một kiểu dọa dẫm các em học sinh làm cho các em sẽ sợ và tạo ra một cú sốc lớn trong cuộc đời của các em. Em cũng có xem clip xin lỗi của các em và các em nói do bồng bột trong hành động của mình. Chắc có lẽ là do các em bộc phát và cảm thấy vui thì làm chứ cũng không nghĩ đến mình đang xúc phạm hay làm ảnh hưởng đến bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào.
Công an vào cuộc?
Chân Như: Theo như thông tin trên báo chí, phía công an cho hay, họ sẽ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy các bạn nghĩ họ sẽ xử lý nhóm bạn trẻ này về tội gì? Theo quy định nào của pháp luật? Xử lý như vậy có xâm hại đến các quyền công dân căn bản của nhóm bạn trẻ hay không?
Mai Kha: Ngẫm đi nghĩ lại thì Kha cũng không biết để xử lý về tội gì? Tội phỉ báng ngành giáo dục hay tội dám nói lên hiện thực xã hội? Nói chung, cái đó không đáng là tội cho những bạn đó. Nếu xử lý như vậy cũng tội cho những bạn đó, cũng có xâm hại quyền tự do ngôn luận đó chứ. Giới trẻ bây giờ phải cho họ sáng tạo, hài hước. Việc cũng không có gì nhưng nếu nói xử lý về chuyện phỉ báng thì Kha thấy cũng rất nhiều những chương trình truyền hình cũng phỉ pháng hiện thực xã hội mà, không lẽ bây giờ đi xử hết?
Gia Bảo: Em cũng đồng tình với ý kiến của bạn Mai Kha. Em cũng thấy các em học sinh này không có lỗi bởi vì các em không làm ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên, nếu như xem đây là lỗi vu khống bịa đặt lan truyền những điều xúc phạm danh dự đến người khác thì sở giáo dục phải chứng minh được thiệt hại và những người bị hại là ai? Theo em, mức độ thiệt hại ở đây thì khó xác định lắm nên em nghĩ chỉ dừng ở mức cảnh cáo chứ không xử lý vi phạm về pháp luật.
Hoàng Nam: Thật sự nếu nói các bạn ấy vi phạm, công an có thể khép tội các bạn ấy vào điều 122 bộ luật hình sự vì họ có thể “ép” các bạn ấy được. Điều ấy là “vu khống, bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt.” Các bạn ấy đang bị công an khép vào tội vu khống cho Bộ Giáo dục và làm ảnh hưởng uy tín của Bộ Giáo dục.
Thực tế Bộ Giáo dục và công an có nên, có đáng làm điều đó không? Thật ra cũng chỉ là để cải thiện ý thức cho các em chứ khép tội thì có vẻ hơi quá và cũng vì chưa đánh giá được mức thiệt hại của Bộ Giáo dục là gì và tầm ảnh hưởng như thế nào nên chưa xác định được. Khi nào anh phát hiện được thì anh mới có quyền kết tội, chứ giờ nó đã ảnh hưởng uy tín Bộ Giáo dục như thế nào, bao nhiêu phần trăm thì chưa biết được, nhưng nếu công an nhảy vào thì họ sẽ quy chụp phạm vào điều 122 bộ luật hình sự.
Chân Như: Một lần nữa, từ "động cơ" lại được xuất hiện, nhưng do phía công an sử dụng như một từ ngữ họ thường xuyên sử dụng trong khi giải quyết các vụ án hình sự. Có phải là công an đã lạm dụng từ “động cơ” trong trường hợp này?
Hoàng Nam: Theo em chắc là bệnh nghề nghiệp. Họ không còn ngôn từ nào nên mới sử dụng từ động cơ chứ nó làm cho vui chứ có làm ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia hay buôn bán ma túy hay thế này thế kia đâu mà động cơ; chỉ làm để giải trí sau kỳ thi cho vui vậy thôi chứ có chi đâu mà gọi là tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước gì đâu để gọi là động cơ. Họ lạm dụng ngôn từ, không biết sử dụng ngôn từ đó như thế nào thôi.
Mai Kha: Kha nghĩ đúng là dùng từ động cơ đó thì hơi quá, có nghĩa là họ quan trọng hóa vấn đề. Nếu bạn Hoàng Nam nói “họ chỉ dùng vậy thôi” thì Kha không nghĩ như vậy tại vì đã là công an, vào ngành Công an thì phải có nghiệp vụ từ điều tra cho đến giao tiếp, đến phát ngôn. Những từ ngữ họ nói ra, ít ra cũng phải có nghiệp vụ chuyên nghiệp nhưng dùng những từ động cơ trong trường hợp này cũng gọi là nghiêm trọng hóa, không đáng. Có lẽ mình phải tập nghe cho quen đi vì Kha thấy không phải chỉ có công an mới dùng từ động cơ trong mấy vụ án đâu mà hình như gần đây trong chương trình talk show của đài truyền hình cũng có dùng, ví dụ động cơ gì để bạn làm từ thiện, ví dụ vậy đó.
Gia Bảo: Bản thân em, em không thích từ động cơ, ví dụ anh dùng từ động cơ này vô những trường hợp phạm tội gì đó, chứ còn thật ra trong trường hợp này thì động cơ gì? Khi em coi clip này, em cũng ước là một diễn viên trong clip em còn sẽ nói hơn như vậy nữa.
Chân Như: Nhiều người cho rằng, dường như ngành công an làm việc tuỳ tiện. Nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự bị bỏ qua - như vụ cá chết, trong khi nhiều việc không liên quan - như vụ clip này thì công an hăng hái vào cuộc. Các bạn có nhận định thế nào?
Nếu clip này gọi là sỉ nhục Bộ Giáo dục đào tạo, thì hình như năm nào show Táo Quân cũng sỉ nhục cả bộ nhà nước chính quyền.- Mai Kha
Hoàng Nam: Theo em, nhìn một mặt nào đó qua câu chuyện thì công an nếu nói theo ngôn từ dân dã thì thật sự họ hơi tào lao. Đối với con em của mình khi nó tung clip ra, thật sự nó cũng chẳng có động cơ gì cũng chẳng chống phá ai. Vậy nếu nó vi phạm thì cứ khuyên dạy nó, trao đổi với nó để cho nó cải thiện. Họ làm để răn đe, nhưng răn đe những cái không đúng, dẫn đến độ chênh quá cao giữa việc quan trọng và không quan trọng, phải nói là hơi quá đáng.
Thật sự, nó không mang tầm ảnh hưởng gì gọi là quá lớn cho Bộ Giáo dục. Nó chỉ làm vui cho mọi người thưởng thức vậy thôi. Đó cũng là những câu nói thường xuyên trải dài trên những đứa học trò chứ không phải giờ mới có hay bịa ra và cũng đâu dựng chuyện giữa trời để vu khống Bộ Giáo dục làm ăn thế này thế kia, nó đâu làm điều đó. Trong khi những việc lớn chúng ta chưa giải quyết chúng ta cứ làm những việc gọi là “kim chỉ”, những việc nhỏ rồi chúng ta xem đó là quan trọng, còn những việc quan trọng hơn chúng ta nên dành thời gian cho nó chứ không cứ “bỏ lơ bỏ lửng” trong khi dân thì ý kiến quá trời.
Mai Kha: Đúng là trong cơ bản thì không riêng một mình Kha mà rất nhiều người nhận định đây là một clip hài, nhưng ngành công an mà như thế thì nặng nề quá. Kha nghĩ nếu muốn xử lý hay gì đó thì có thể xử lý nội bộ hay nhắc nhở khéo các bạn đó là được rồi. Công an vào cuộc điều tra như thế này thì thật giống như mang dao giết trâu ra để mổ gà vậy đó. Đúng là còn rất nhiều chuyện lớn hơn để công an phải quan tâm tới chứ không phải chuyện như thế này. Giống như có cảm giác những việc nhỏ thì làm cho lớn lên còn những việc lớn thì làm cho dịu xuống.
Nếu clip này gọi là sỉ nhục Bộ Giáo dục đào tạo, thì hình như năm nào show Táo Quân cũng sỉ nhục cả bộ nhà nước chính quyền. Nói tóm lại một câu, Việt Nam mình chỉ thích được khen thôi nên mấy anh làm những việc gì đó cho nó chỉn chu chút xíu từ việc lớn đến nhỏ, nhưng việc lớn khó làm quá nên có lẽ mấy anh bỏ qua cho im lặng, còn việc nhỏ các anh khuấy lên cho có việc để làm.
Chân Như: Theo Mai Kha thì phải chăng đây cũng là cách để họ đánh lạc hướng dư luận, khi vụ cá chết và số tiền bồi thường chỉ có 500 triệu mỹ kim đang bị người dân phản ánh gắt gao?
Mai Kha: Cũng có thể lắm, nhưng Kha nghĩ nếu cố tình lái như vậy là sai lầm, tại vì so clip này với chuyện cá chết là không cân bằng, một chuyện quá lớn lao với một chuyện quá cỏn con thì gọi là họ dở. Kha nghĩ nói tóm lại tại vì mấy bác của Bộ Giáo dục đào tạo ở Huế chắc có lẽ chưa va chạm nhiều nên đụng một chuyện này có vẻ quá sức tưởng tượng đối với mấy bác hay bị cái gì đó nên mấy bác phải nhảy lên vậy.
Chân Như: Cám ơn phần chia sẻ của Mai Kha, cũng như của Hoàng Nam và Gia Bảo đã dành thời gian đến với diễn đàn hôm nay.
No comments :
Post a Comment