Một quầy báo trên phố ở Hà Nội (ảnh tư liệu, 4/2015)
VOA - Trong hai ngày cuối tuần qua, công an ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một số nhà báo bị tình nghi tống tiền hoặc lừa đảo. Nhiều người làm báo ở Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội họ thấy “buồn tủi” vì những vụ việc làm mất danh dự của làng báo như thế này.
Tin cho hay hôm 24/3, công an Hải Phòng đã bắt trưởng văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật ở thành phố cùng 2 phóng viên của báo này vì có chứng cứ 3 người đàn ông này đã tống tiền của nhiều người.
Nhiều báo Việt Nam tường thuật rằng 3 nhà báo kể trên đã theo dõi, phát hiện các hộ gia đình, các tổ chức xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sau đó đe dọa họ sẽ đăng báo nếu không chịu nộp tiền.
Một ngày sau, công an ở tp.Hồ Chí Minh đã bắt một nhà báo nam trong một nghi án lừa đảo. Người đàn ông này được cho là lãnh đạo văn phòng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật ở thành phố.
Theo báo chí trong nước, ông này đã nhận tiền từ một người phụ nữ, hứa “giải cứu” cho 3 người thân của bà này thoát tội sau một vụ đánh nhau gây thương tích. Trên thực tế, người thân của bà vẫn bị xét xử và nhận án tù.
Việc một số nhà báo ở Việt Nam bị bắt vì tống tiền, nhận hối lộ hay lừa đảo không phải là hiếm. Hầu như năm nào cũng có một vài vụ. Mặc dù không có một danh sách thống kê chính thức, nhưng dùng các từ khóa “bắt nhà báo nhận hối lộ”, “bắt nhà báo cưỡng đoạt tài sản”, v.v… có thể tìm qua Google được nhiều bài báo ít nhất là từ năm 2005 trở lại đây.
Sau hai vụ bắt giữ cuối tuần qua, một số nhà báo nêu quan điểm trên Facebook rằng một trong những nguyên nhân về nhà báo phạm tội là trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam cho phép quá nhiều trang tin và các cơ quan báo chí ra đời, dẫn đến không quản lý được số lượng nhà báo tăng nhanh. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA từ Nha Trang:
“Số lượng báo chí ở Việt Nam là quá nhiều. Cơ quan quản lý không kiểm soát được. Ở Việt Nam thì theo công bố chính thức của các giới chức quản lý nhà nước, vào năm ngoái, có trên 850 cơ quan truyền thông, gồm có báo giấy, báo mạng, tạp chí, đài truyền hình, v.v... Nói chung là rất nhiều”.
Nhưng ông Nguyễn Thái Thiên, Cục phó Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, nói với VOA rằng ông không đồng ý với quan điểm đó, cho dù ông gọi hai vụ việc vừa qua là “rất đáng tiếc”. Ông nói:
“Nói rằng cho ra quá nhiều báo nên nhà nước không quản lý được đội ngũ phóng viên thì chuyện đấy là không xác đáng. Bởi vì việc cấp phép thành lập các cơ quan báo chí trước hết chúng tôi phải theo các quy định của pháp luật. Thứ hai là tuân theo các nguyên tắc trong quy hoạch quản lý và phát triển báo chí. Trong luật nói rất rõ là tổng biên tập là người hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của tờ báo, trong đó có quản lý phóng viên”.
Đứng ở vị trí cơ quan quản lý nhà nước, Cục phó Nguyễn Thái Thiên nói Cục Báo chí đã gửi các văn bản “yêu cầu tổng biên tập các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm việc quản lý phóng viên theo các quy định của pháp luật”.
Ông Thiên đưa ra nhận định về nguyên nhân của tình trạng thỉnh thoảng lại có nhà báo bị tố cáo vi phạm luật và những điều có thể làm thay đổi:
“Một trong những nguyên nhân chúng tôi thấy rõ nhất là một số phóng viên báo chí chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí. Cái thứ hai, rõ ràng với đội ngũ 17.000 nhà báo thì việc quản lý trước hết phải là của tổng biên tập của từng tờ báo. Về phía tổ chức đoàn thể, Hội Nhà báo Việt Nam đã có ‘10 quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo’. Nếu tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tuân thủ đúng thực hiện đúng 10 quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo thì tôi nghĩ rằng tình trạng đấy cũng sẽ được hạn chế rất là nhiều”.
Là nhà báo có hàng chục năm kinh nghiệm thực tế, ông Võ Văn Tạo đưa ra một cách nhìn khác về nguyên nhân có những nhà báo thực hiện các hành vi vừa sai luật vừa trái đạo đức. Mặc dù vậy, ông lưu ý rằng số nhà báo xấu ăn hối lộ hay tống tiền không phải là nhiều. Ông nói:
“Nguyên nhân chính, cơ bản ấy, là một xã hội không chú trọng về đạo đức, về tình thương. Cái chuyện nói dối là phổ biến, cho nên là cái giả dối là phổ biển của nền tảng chính trị thì nó kéo theo tất cả những thứ khác, đạo đức nó suy đồi. Báo chí dù ở Việt Nam trong vòng kiểm soát đi chăng nữa nhưng nó vẫn có tính đặc thù của báo chí là nó có quyền lực nhất định. Thế thì anh em cầm bút nếu như bản thân những người đó cái gốc, cái bản chất người đó là xấu xa, tham lam, không có lòng tự trọng, việc lợi dụng nghề báo đi tống tiền, dọa nạt v.v… gì đó là có xảy ra”.
Trên mạng xã hội, nhiều nhà báo còn chỉ ra một nguyên nhân nữa dẫn đến điều mà họ gọi là sự “suy đồi”, “tha hóa” của một số người trong ngành báo chí. Họ cho rằng cùng với việc mở ra các cơ quan báo chí tràn lan, nhiều người đã “chạy chọt” để có chức tổng biên tập, trưởng, phó đại diện các văn phòng. Những người này sau đó tìm cách “thu hồi vốn” bằng cách gây sức ép với nhân viên dưới quyền phải “làm tiền” từ doanh nghiệp hay người dân.
Về điều này, nhà báo lâu năm Võ Văn Tạo ở Nha Trang đưa ra lời xác nhận có hiện tượng đó:
“Tại địa bàn của chúng tôi đây, đã có những người làm trưởng đại diện của một tờ báo thuộc cỡ trung bình. Có những phóng viên của báo đó chạy sang chỗ tôi làm và họ nói rằng ‘Sếp của bên em rất tệ. Bọn em đi tìm đề tài, phát hiện ra vụ việc tiêu cực, viết bài. Sếp em không cho đăng, kêu em báo cho phía bên kia, và sếp em ăn tiền bồi dưỡng của họ’. Tôi biết cụ thể tên người, không tiện nói ra. Bây giờ người đó lên làm tổng biên tập tờ báo đó cơ. Những cá nhân tệ lậu như thế là có. Rồi là có những tổng biên tập kiếm thu nhập bằng đủ kiểu, kể cả những cái lặt vặt như là anh em phóng viên cống nạp, v.v…”
Trong một bối cảnh như vậy, những người bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn nhất chính là các phóng viên. Theo ông Tạo, họ rất chật vật với cuộc sống khi đồng lương được trả không đủ sống, thậm chí có những cơ quan báo chí còn không trả lương cho phóng viên. Điều này làm cho một số nhà báo “không cầm được lòng” khi có cơ hội kiếm tiền phi pháp.
Mặc dù vậy, nhiều nhà báo và cá nhân ông Tạo vẫn cho rằng nguyên nhân gốc là một xã hội thiếu tử tế, nhiều dối trá. Họ chỉ ra rằng các tiêu cực, những việc bỏ tiền ra “chạy chọt”, “dàn xếp” thông tin, chức vụ, công việc ở khắp mọi ngành từ giáo dục cho đến công an tất yếu không thể không ảnh hưởng tới người làm báo.
Trên các diễn đàn mạng xã hội và các trang cá nhân, nhiều người khẳng định giải quyết được nguyên nhân gốc rễ này ở Việt Nam là “việc khó” trong nhiều năm nữa.
Ý kiến của bạn
No comments :
Post a Comment